Ngành Xây dựng trên đường đổi mới và hội nhập

Thứ năm, 31/01/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2007, cả nước ta thực sự trở thành một đại công trường xây dựng. Cả nước hướng về Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dõi theo bàn tay của người thợ xây dựng mong chờ từng hạng mục khánh thành. Hàng trăm cao ốc đã và mọc lên trên các đô thị mới vừa được quy hoạch thay thế cho những “khu tập thể chật chội” dấu ấn của một thời kỳ bao cấp sau chiến tranh. Hàng ngàn công sở, trường học, bệnh viện được xây mới hiện đại ngang tầm các nước đang phát triển trong khu vực.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân.

Đất nước là một đại công trường, biết bao những khó khăn đã đặt ra, đè nặng trong suy nghĩ của những nhà quản lý: Chuyện quy hoạch các thị trấn khu vực nông thôn; chuyện quy hoạch công trình ngầm, khu vực xử lý nước thải, nước sinh hoạt, rác thải, hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng trong các đô thị lớn... Trước thềm năm mới 2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã dành cho báo Xây dựng cuộc trao đổi đầy ý nghĩa.

Năm 2007 là năm bản lề toàn đất nước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2006 - 2010, xin Bộ trưởng cho biết một vài dấu ấn nổi bật nhất của ngành Xây dựng trong năm 2007?

- Năm 2007, Bộ Xây dựng đã tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, triển khai thực hiện các đề án được thông qua với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là xây dựng đồng bộ, đầy đủ, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng theo hướng phủ kín các lĩnh vực hoạt động, phân cấp mạnh, rõ quyền, rõ trách nhiệm, các thủ tục đơn giản, thông thoáng tạo điều kiện phát huy nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động xây dựng của các tổ chức và cá nhân theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Năm 2007, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo, hoàn chỉnh, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua nhiều đề án. Trong đó có đề án quan trọng như Đề án Xây dựng cơ chế thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để cho thuê, Đề án thí điểm chính sách nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng đạt 97.226 tỷ đồng, bằng 108,7% so với kế hoạch năm, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2006; xi măng toàn Ngành ước đạt 36 triệu tấn; đầu tư ước đạt 36.328 tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch năm, tăng trưởng 80% so với năm 2006.

Nhiều công trình trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ, nổi bật là: Dự án Nhiệt điện Cà Mau đã được hoàn thành, chạy thử không tải; thông hầm Thuỷ điện Buôn Lốp; hợp long cầu Thủ Thiêm; hoàn thành việc ngăn sông Thuỷ điện Xêkaman3...

Năm 2007 cũng đánh dấu bước phát triển, hợp tác ở tầm cao mới của ngành Xây dựng Việt Nam với các nước bạn Lào và Campuchia về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà, phát triển các dự án thuỷ điện... Các doanh nghiệp trong và ngoài Ngành đã cùng hợp tác, góp vốn thành lập 2 Cty CP để xúc tiến các hoạt động đầu tư tại Lào và Campuchia; Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn đang tích cực triển khai giúp đỡ nước bạn Lào lập Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Thủ đô Viên Chăn.

Năm 2007 cũng là năm đầu tiên nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, để đạt được những kết quả như Bộ trưởng vừa cho biết, có thể nói công tác hoàn thiện và xây dựng mới các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động xây dựng phù hợp với những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Vậy trong những năm tới, công tác này tiếp tục được Bộ Xây dựng quan tâm như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước các lĩnh vực được Chính phủ giao, Bộ luôn coi trọng công tác xây dựng, rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Ngành, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên và quan trọng nhất trong công tác chỉ đạo điều hành hàng năm của Bộ.

Trong thời gian tới, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi chúng ta đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới thì việc xây dựng, rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành Xây dựng cho phù hợp với thông lệ quốc tế là rất quan trọng. Ngày 11/12/2007 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động của Ngành để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Trong Chương trình hành động này, Bộ đã đề ra các công việc cụ thể cho từng đơn vị trong Bộ và địa phương thực hiện từ nay cho đến năm 2012 xoay quanh các nội dung trọng tâm về: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về WTO trong toàn Ngành; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của Ngành để khắc phục sự chồng chéo, không phù hợp với các cam kết WTO; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Xây dựng cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngay trong năm 2008 này, Bộ sẽ tập trung vào việc chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý, phát triển đô thị; chính sách thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, thị trường bất động sản; chính sách trong đầu tư xây dựng công trình, quản lý kinh tế trong xây dựng, quản lý chất lượng công trình; chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ xây dựng; các chính sách nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm ngành Xây dựng; đồng thời tập trung tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý ngành Xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Công tác lập và quản lý quy hoạch ở phần lớn các địa phương của nước ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp để khắc phục tình trạng này?

- Tình trạng lập và quản lý quy hoạch xây dựng tại nhiều địa phương hiện nay còn một số tồn tại chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thực tiễn do các nguyên nhân cơ bản như sau:

Thứ nhất: Năng lực của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các địa phương còn yếu chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Luật Xây dựng năm 2003 và Nghị định 08/2005/NĐ-CP cùng những văn bản quy phạm pháp luật khác đã quy định việc phân cấp trong quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai, đầu tư cho các cấp chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn công tác phát triển đô thị. Hiện tại các cấp chính quyền địa phương còn thiếu sự chuẩn bị về tổ chức bộ máy và chương trình đào tạo nguồn lực để thực hiện khối lượng công việc mới được phân cấp.

Thứ hai: Chính quyền đô thị còn lúng túng trong việc lập kế hoạch triển khai và quản lý thực hiện đầu tư các công trình trọng điểm. Việc phân công các cơ quan quản lý về hạ tầng đô thị ở các địa phương còn nhiều chồng chéo và không thống nhất. Nhiều cơ quan được giao làm chủ đầu tư nhưng không đủ năng lực thực hiện vai trò quản lý đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng.

Để khắc phục những hạn chế này, trước hết từng bước cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị có tính chủ động và đủ năng lực trong việc hoạch định và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển đô thị nói riêng. Tăng cường biên chế và nâng cao năng lực của các đơn vị làm công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các cấp chính quyền cơ sở.

Thứ ba: Thống nhất trong quản lý không gian và hạ tầng đô thị, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và đầu tư khai thác sử dụng.

Và một việc rất quan trọng nữa là phải nhanh chóng xây dựng và thông qua Luật Quy hoạch đô thị như một bộ luật cơ bản về quản lý phát triển và khai thác không gian đô thị. Luật Quy hoạch đô thị sẽ là một công cụ hiệu quả cho phép chính quyền các địa phương tổ chức và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển đô thị, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch xây dựng.

Thưa Bộ trưởng, tình hình thị trường bất động sản ở nước ta vẫn đang diễn biến bất thường. Có ý kiến cho rằng, để bình ổn thị trường bất động sản thì cần phải có giải pháp chống đầu cơ. Tuy nhiên trên thực tế, giới đầu cơ lại là nhân tố kích thích thị trường này phát triển. Vậy theo Bộ trưởng, nước ta cần phải làm gì để bình ổn thị trường bất động sản trong thời gian tới?

- Thị trường hàng hoá nói chung, thị trường bất động sản nói riêng trong cơ chế thị trường có lúc thăng, lúc trầm phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Nhưng những biến động trên thị trường bất động sản nước ta thời gian vừa qua cho thấy thị trường bất động sản nước ta tuy đã có bước phát triển tích cực nhưng vẫn chưa hoàn thiện, cần tiếp tục có những giải pháp để thị trường phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để góp phần điều tiết thị trường, hạn chế đầu cơ thì việc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số loại thuế và lệ phí về nhà đất theo hướng khuyến khích sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, hạn chế đầu cơ là một trong năm giải pháp nằm trong lộ trình hoàn thiện thị trường bất động sản ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết 06/2004/NQ-CP của Chính phủ ngày 19/5/2004 về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Hướng điều chỉnh thuế là giảm thuế và phí trong giao dịch trên thị trường bất động sản ở mức hợp lý nhằm khuyến khích giao dịch chính thức đồng thời tăng thuế sử dụng nhà đất nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản nhất là tài nguyên đất đai.

Ngoài giải pháp điều chỉnh một số loại thuế nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là tăng nguồn cung hàng hoá bất động sản nhất là nhà ở và văn phòng, nhà xưởng cho sản xuất kinh doanh nhằm chủ động bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu. Để thực hiện có kết quả giải pháp này cần tháo gỡ những khó khăn ách tắc trong thủ tục đầu tư, trong giải phóng mặt bằng... để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được triển khai.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ cấu của thị trường và lành mạnh các giao dịch trên thị trường bất động sản trong đó đặc biệt chú trọng việc thiết lập các sàn, các Trung tâm giao dịch bất động sản để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể dễ dàng tham gia thị trường, bảo đảm cho thị trường công khai, minh bạch và có sự quản lý của Nhà nước, góp phần hạn chế đầu cơ, ổn định thị trường. Quy định bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán hoặc cho thuê bất động sản công khai qua sàn giao dịch bất động sản để mọi đối tượng có nhu cầu được tiếp cận các thông tin đồng thời hoàn thiện và tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức tư vấn, môi giới và thông tin về bất động sản để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản vận hành minh bạch, hiệu quả.

Năm 2008, ngành Xây dựng  Việt Nam kỷ niệm 50 năm thành lập với nhiều thành tích được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ghi nhận, vậy Bộ Xây dựng sẽ làm gì để tiếp tục truyền thống vẻ vang đó?

- Năm 2008, ngành Xây dựng Việt Nam tròn 50 tuổi, nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ngành, mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo là: “Phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, cả trong lĩnh vực xây dựng công trình, VLXD, kiến trúc và quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở; đầu tư trang thiết bị tiên tiến, nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ xây dựng hiện đại trong thi công xây lắp các công trình lớn và phức tạp như: Công trình thuỷ điện, nhiệt điện, nhà cao tầng, công trình có khẩu độ hoặc chiều cao lớn, cầu, hầm, công trình ngầm, công trình dầu khí, v.v...; phấn đấu đạt giá trị tăng thêm từ 10 - 10,2%/năm”.

Trong đó nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Xây dựng trong giai đoạn mới là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Có thể nêu cụ thể ở một số lĩnh vực như: Tiếp tục tổ chức thực hiện các Định hướng phát triển đô thị đến năm 2020, nhằm thực hiện sắp xếp lại hệ thống đô thị trên địa bàn cả nước. Phấn đấu đến năm 2010, về cơ bản hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt, cung cấp đủ nước sạch cho đô thị, khu công nghiệp, đạt tiêu chuẩn cấp nước 150 lít/người/ngày; giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý chất thải ở các đô  thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Triển khai mô hình thí điểm về xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, tạo tiền đề hình thành các trung tâm xử lý chất thải rắn ở các địa phương, phấn đấu hình thành ngành công nghiệp môi trường Việt Nam.

Tập trung thực hiện Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020. Phát triển nhà ở gắn với phát triển các khu đô thị mới nhằm hình thành đồng bộ các khu nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dân cư có mức thu nhập khác nhau trên từng địa bàn. Phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ tiêu 100% hộ có nhà, tại khu vực đô thị đạt bình quân 15m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt bình quân 14m2/người.

Tập trung chỉ đạo chương trình cơ khí, lựa chọn và đầu tư  vào các thiết bị công nghệ hiện đại với mức độ tự động hóa cao nhằm chế tạo một số các thiết bị, sản phẩm cơ khí và phụ tùng thiết bị xây dựng quan trọng, thay thế các sản phẩm nhập ngoại như: Các thiết bị nhiệt điện, thuỷ điện có công suất trung bình đến 50MW, dây chuyền xi măng 2.500 tấn/ngày, dây chuyền VLXD v.v...; thay công nghệ lò đứng sang lò quay ở một số nhà máy xi măng lò đứng hiện nay nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng xi măng, giảm thiểu ô nhiễm, tận dụng cơ sở hiện có. Đến năm 2010, các sản phẩm xi măng, gạch - đá ốp lát, kính xây dựng, sứ vệ sinh, tấm lợp, v.v… phải là những sản phẩm được sản xuất trên các dây chuyền và thiết bị hiện đại với mức độ tự động hóa cao. Phấn đấu đến năm 2010 giá trị xuất khẩu VLXD đạt khoảng 30 - 35% so với giá trị sản xuất trong nước.

Đặc biệt chúng ta cần tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới và CPH doanh nghiệp Nhà nước, hình thành một số Tập đoàn mạnh trong các lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp xây dựng, công nghiệp xi măng, phát triển đô thị và bất động sản… đủ năng lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài trong việc thực hiện các dự án lớn đồng thời có khả năng vươn ra nhận thầu các công trình lớn ở nước ngoài.

Kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của Tổ hợp Cty mẹ - Cty con và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng thực hành cao, có trình độ làm chủ công nghệ, để có thể đảm nhận vai trò tổng thầu thiết kế, quản lý, giám sát các công trình có quy mô lớn, công nghệ mới, công trình có địa chất phức tạp, công trình cao tầng, khẩu độ lớn, công trình ngầm, công trình biển... với mọi quy mô. Phấn đấu đến năm 2010, tư vấn trong nước có thể làm chủ, tự thiết kế các dây chuyền công nghệ cho các nhà máy xi măng và VLXD khác, thiết kế chế tạo thuỷ điện, máy xúc, máy ủi...

Nâng cao năng lực về mặt tài chính, trang thiết bị, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng trong từng đơn vị, tăng cường liên doanh, liên kết với các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt chú trọng tới khả năng liên doanh, liên kết hoạt động tại thị trường các nước trong khu vực và những nước phát triển để vừa tăng cường sự hiểu biết về thị trường, kỹ thuật, tài chính vừa tạo lập được thị trường cho các doanh nghiệp của ta khi khu vực tự do thương mại được hình thành và khi gia nhập WTO.

Xin cảm ơn Bộ trưởng. Kính chúc Bộ trưởng cùng toàn thể gia đình đón một mùa xuân mới An khang, Thịnh vượng. Chúc ngành Xây dựng dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng không ngừng phát triển về trí lực, nhân lực, vật lực góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)