Phát triển thành phố thông minh cần dựa trên các trụ cột quan trọng là: Công dân thông minh, nhà thông minh, chính phủ thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh và năng lượng xanh, sạch và bền vững.
Đó là quan điểm của các đại biểu tại Hội thảo “Định hướng công nghệ cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu quản trị thành phố thông minh”, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, Hội hữu nghị Việt - Đức TP Cần Thơ phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Đức), Trường Đại học Cần Thơ tổ chức mới đây.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo được tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ.
Hội thảo là một hợp phần nằm trong khoản viện trợ “Các hoạt động thúc đẩy đô thị thông minh ứng phó biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ năm 2024” do tổ chức FNF tài trợ; đồng thời, tạo nền tảng đánh dấu các hoạt động hợp tác và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên liên quan.
Các chuyên gia cho rằng, những giải pháp kỹ thuật hỗ trợ trong việc phát triển mô hình thành phố thông minh như: Chuyển đổi sang xe máy điện trong lĩnh vực logistics nhằm giảm khí thải và gia tăng hiệu quả - bằng chứng thực nghiệm ở ĐBSCL; giao thông thông minh, từ ô nhiễm không khí đến giảm thiểu phương tiện cá nhân; hệ thống xe buýt đô thị nhằm tối ưu hóa quy hoạch và định tuyến hướng tới phát triển đô thị thông minh và bền vững; vai trò nhà thông minh trong thành phố thông minh; nhúng Al trên chip điện tử và tiềm năng ứng dụng trong y tế thông minh; vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc KVIP, nơi ươm mầm cho các ý tưởng công nghệ; chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông minh; đánh giá trình độ công nghệ chuỗi lúa gạo, tôm ĐBSCL; đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về nhu cầu phát triển thành phố thông minh cho ĐBSCL trong thời gian tới…
Theo bà Lê Thụy Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đối với định hướng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 11/1/2022, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Đây là chủ trương, tiền đề quan trọng cho thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh và thực hiện thành công chuyển đổi số.
Bà Lê Thụy Ngọc Lan mong muốn thành phố cần phải có những nỗ lực và bứt phá mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên công nghệ số, xứng tầm với vai trò trung tâm dẫn dắt của vùng ĐBSCL…
Giám đốc Quốc gia của Viện FNF Việt Nam, bà Vanessa Kristina Steinmetz nhấn mạnh, ĐBSCL không chỉ là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam mà còn là hệ sinh thái quan trọng nuôi sống hàng triệu con người. Tuy nhiên, thực tế của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, các kiểu thời tiết khó lường và độ mặn ngày càng tăng đang đe dọa phá vỡ sự cân bằng này.
TP Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. (Ảnh: Anh Khoa)
Theo bà Vanessa Kristina Steinmetz, tính cấp thiết của việc thích ứng với khí hậu đòi hỏi các giải pháp sáng tạo và quản trị có tư duy tiến bộ. Công nghệ có tiềm năng trở thành động lực chuyển đổi trong nỗ lực này. “Bằng cách khai thác những tiến bộ trong các công cụ kỹ thuật số, phân tích dữ liệu và các hoạt động bền vững, chúng ta có thể tạo ra các thành phố thông minh không chỉ ứng phó với những thách thức cấp bách của biến đổi khí hậu mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi công dân”, bà Vanessa Kristina Steinmetz nói.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia chuyển đổi số, thành phố thông minh là nền tảng mở kết nối các đơn vị chính phủ/tổ chức/doanh nghiệp kiến tạo các giá trị dưa trên công nghệ cho người dân theo nguyên tắc bền vững, xanh, sạch, tuần hoàn, bao trùm, công bằng, minh bạch… Phát triển thành phố thông minh cần dựa trên các trụ cột quan trọng là: công dân thông minh, nhà thông minh, chính phủ thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh và năng lượng xanh, sạch và bền vững.
Theo PGS,TS Nguyễn Võ Châu Ngân – Trường Đại học Cần Thơ cho biết, mặt trái của quá trình đô thị hóa vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có lượng khí thải phát sinh từ các loại xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy).
Qua khảo sát 100 người dân sử dụng xe máy ở các quận trung tâm thành phố Cần Thơ, có gần 40% có ý định chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, 62% mong muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế xe cá nhân nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, di chuyển an toàn, tiết kiệm chi phí.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xe máy, thu hút người dân đi phương tiện công cộng, ông Ngân gợi ý, cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tạo điều kiện cho người dân sử dụng phương tiện xanh, quy hoạch giao thông công cộng kết hợp hiện đại hóa hạ tầng như bãi giữ xe, lối đi bộ, trạm dừng.
Đồng thời, giảm phương tiện cá nhân và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ bằng tiền, hoặc giảm thuế, phí cho người dân chuyển đổi từ xe xăng qua xe máy điện, ưu đãi về giá giữ xe, vé cầu đường xe máy điện. Tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng xe máy xăng, chuyển đổi sang phương tiện xanh để giảm ô nhiễm môi trường./.