Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số

Thứ ba, 17/09/2024 14:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh công bố vào ngày 16/9, Thành phố trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số.

Lãnh đạo Thành phố tại lễ nhấn nút, chính thức vận hạnh Hệ thống quản trị thực thi TP Hồ Chí Minh trên nền tảng số. (Ảnh: PV) 

Theo đó, Thành phố triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung thống nhất, liên thông kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; liên thông văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số; kết nối các hệ thống thông tin chuyên ngành; tạo lập, tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở. 100% thủ thục hành chính được phê duyệt dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ công việc, văn bản điện tử liên thông qua môi trường mạng. 100% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, quận, huyện liên thông, kết nối thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Thành phố.

Thành phố đã phối hợp với các Sở ngành, Bộ ngành thực hiện liên thông, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố với hệ thống thông tin chuyên ngành tại các sở, ngành và với Hệ thống thông tin chuyên ngành của các Bộ, ngành Trung ương nhằm chia sẻ dữ liệu phục vụ nhu cầu khai thác của Thành phố.

Thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh. Trung tâm có chức năng thực hiện các nhiệm vụ về triển khai, thực thi các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số, đô thị thông minh; cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên các nền tảng số dùng chung, đồng bộ và thống nhất như hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành; hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số; hệ thống lắng nghe thông tin trên mạng xã hội cho các cơ quan nhà nước; hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo Thành phố,… Thành phố cũng đang đẩy tiến nhanh kế hoạch đưa vào vận hành chính thức các nền tảng số mới trọng tâm bao gồm: App Công dân Thành phố; nền tảng số hóa, lưu trữ tài liệu điện tử Thành phố; nền tảng hỗ trợ quản lý khu phố, ấp; hệ thống thông tin Cấp phép xây dựng Thành phố; hệ thống thông tin quản lý đất đai Thành phố.

Thành phố ban hành và tập trung triển khai chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp.

Thành phố đã số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ. Tất cả dữ liệu số hóa Sổ hộ tịch của thành phố đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp. Từ ngày 15/6/2022, Thành phố thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung thành phố cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các sở, ngành, quận, huyện được hoàn thiện và củng cố, xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng hạ tầng phục vụ cho liên thông, kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước.

Thành phố đã tổ chức triển khai tập trung các ứng dụng của các sở, ngành, quận, huyện trên 1.000 máy chủ tại Trung tâm dữ liệu thành phố và tăng cường an toàn an ninh thông tin cho các hệ thống này. Hạ tầng mạng đô thị băng thông rộng thành phố (MetroNet) với hơn 800 điểm kết nối. Mạng MetroNet kết nối từ thành phố đến sở, ngành, quận, huyện và phường, xã, trung tâm điều khiển NOC; hệ thống thư điện tử thành phố; hệ thống họp trực tuyến; thư mời họp điện tử…

Công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin được đẩy mạnh, đảm bảo phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các trường hợp tấn công vào hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước. Thành phố thường xuyên kiểm tra đánh giá công tác đảm bảo an toàn thông tin tại các đơn vị trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện xử lý và ngăn chặn các sự cố về đảm bảo an toàn thông tin; thực hiện phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với danh mục hệ thống thông tin tại các đơn vị; triển khai đồng bộ giải pháp bảo mật thiết bị đầu cuối (endpoint) cho tất cả các máy tính của các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã; triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin theo mô hình 4 lớp và kết nối Trung tâm dữ liệu thành phố với hệ thống giám sát quốc gia; triển khai nâng cấp hệ thống phòng chống mã độc tập trung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của Thành phố liên tục nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố ở thứ hạng cao: năm 2020 đạt thứ hạng 5, năm 2021 đạt thứ hạng 3, năm 2022 đạt thứ hạng 2. Đặc biệt, trong lĩnh vực chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất trong cả nước được vinh dự nhận giải thưởng ASOCIO tại Hàn Quốc dành cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023./.

Nguồn: Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)