Các địa phương trong tỉnh Long An tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (Ảnh: Ngọc Nhanh)
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Thông tin từ Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Long An, hiện tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh, Cổng dữ liệu mở của tỉnh, nền tảng “Long An IOC” phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trên môi trường số. Bên cạnh đó, ứng dụng di động “Long An số”, Mini app “Long An số” trên nền tảng Zalo cũng được xây dựng triển khai rộng rãi đến với người dân. Đây là kênh tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số và phát triển xã hội số của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 95.400 người dùng quan tâm cài đặt, sử dụng app “Long An số”. Hệ thống 1022 giúp người dân có thể gửi các kiến nghị đến cơ quan nhà nước qua trang web 1022.longan.gov.vn và Tổng đài 1022. Đây là công cụ quan trọng giúp các cơ quan chính quyền kịp thời lắng nghe, giải quyết phản ánh của người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển trụ cột xã hội số.
Về kinh tế số, đến nay, toàn tỉnh có 66.426 tổ chức, cá nhân bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử (https://postmart.vn, https://voso.vn), với 8.385 sản phẩm được đăng ký bán trên sàn. Ngoài ra, có 51 gian hàng với 485 sản phẩm được trưng bày trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh (tradelongan.com)…
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An Bùi Nguyên Khởi, thời gian qua tỉnh đã triển khai mỗi ấp, khu phố thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 996 tổ với 5.324 thành viên, kết hợp với lực lượng Đoàn viên thanh niên tổ chức các hoạt động ra quân hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT và các nền tảng số thiết yếu. Phối hợp các ngành tham mưu ban hành nhiều văn bản, chính sách để khuyến khích và thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) như: giảm 50% lệ phí thực hiện DVCTT; chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, địa phương lấy tuần lễ đầu tiên hàng tháng làm cao điểm triển khai các hoạt động ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Thông qua những mô hình, hoạt động cụ thể, tỷ lệ hồ sơ TTHC nộp trực tuyến ngày càng tăng cao so qua các năm, vượt chỉ tiêu đề ra.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 1.565 dịch vụ công trực tuyến (đạt 84,23%), đảm bảo 100% các dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình; Có 570/587 DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt 97,10%, tăng 9% so với năm 2022); Có 312.085/328.813 hồ sơ nộp trực tuyến (đạt 94,91%, tăng 36% so với năm 2022).
Tỉnh đã triển khai thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho 03 đơn vị cấp xã (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành; thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; Phường 4, thành phố Tân An), bước đầu đạt được kết quả khá tốt. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự lan tỏa trong người dân; Rà soát, khắc phục những hạn chế trong sử dụng các hệ thống ứng dụng CNTT trong chính quyền tại xã; Triển khai các mô hình thúc đẩy người dân tham gia chuyển đổi số như “Ngày thứ tư không hẹn”; “Cán bộ công chức hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến”; “Thanh niên với Chuyển đổi số”; “Đội hình IT Xanh”…
Các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước cấp xã phục vụ công tác quản lý, tác nghiệp, chỉ đạo, điều hành trên môi trường số; Tạo lập trang Zalo OA “Chính quyền số cấp xã” và Trang thông tin điện tử cấp xã; (6) Hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc trưng tại địa phương lên sàn thương mại điện tử góp phần phát triển kinh tế số; Thúc đẩy người dân sử dụng điện thoại thông minh, Internet cáp quang đến hộ gia đình… Trên cơ sở kết quả đạt được, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi số cấp xã trên toàn tỉnh.
Đồng chí Bùi Nguyên Khởi cũng thông tin thêm: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An cũng thường xuyên tham mưu đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, địa phương tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN, đến nay nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ ở mức cao như tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đạt 100%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số đạt 99,93%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên hệ thống một cửa điện tử đạt trên 99,7%; tỷ lệ sử dụng hộp thư điện tử của tỉnh đạt 92%.
Bên cạnh đó, hàng năm Sở đều tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, Tổ công nghệ số cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số, xây dựng chuyên mục tuyên truyền chuyển đổi số định kỳ hàng tuần trên hệ thống truyền thanh cơ sở… Qua đó, tạo được sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp, đảm bảo mọi đối tượng đều được truyền thông và cùng đồng hành trong quá trình chuyển đổi số.
Tạo bước đột phá trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số
Thành phố Tân An tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về công nghệ, đặc biệt là những ứng dụng thiết yếu vào cuộc sống cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng. (Ảnh: Ngọc Nhanh)
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An: Trong quá trình tham mưu triển khai thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, đó là: Hiện nay, dữ liệu các Bộ, ngành đã bắt đầu chia sẻ nhưng chưa có quy định cụ thể về tính pháp lý, giá trị dữ liệu dẫn đến việc khai thác dữ liệu được chia sẻ chỉ mang tính tham khảo, chưa thể dùng làm căn cứ phục vụ lãnh đạo ra quyết định, giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính (chưa thay thế được giấy tờ các thành phần hồ sơ để không yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải cung cấp). Một số Bộ, ngành vẫn chưa triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính nên một số ngành của tỉnh vẫn phải thực hiện nhập thông tin trên hai hệ thống. Nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu (đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã). Chưa có cơ chế thu hút nên công tác tuyển dụng cán bộ công nghệ thông tin vào làm việc trong cơ quan nhà nước còn khó khăn.
Long An xác định xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số là mục tiêu hướng đến nhằm tạo những giá trị mới trong quản lý, vận hành nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, với thông điệp “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, UBND tỉnh đã bàn hành cập nhật Danh mục dữ liệu dùng chung, Danh mục dữ liệu mở và Kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, Bộ chỉ số phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh; theo đó yêu cầu người đứng đầu sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thúc đẩy CĐS và triển khai Đề án Phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (Đề án 06) với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hoà, để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, nhanh và bền vững, ngày 20/8/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành Chương trình số 3288/CTr-UBND ngày 8/10/2021 cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU bằng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo bước đột phá trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh.
“Về lâu dài, Chương trình chuyển đổi số tỉnh Long An sẽ hướng tới mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; đưa Long An vào nhóm các địa phương chuyển đổi số tốt, trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tấn Hoà nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, tỉnh Long An tiếp tục tập trung tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số. Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, sử dụng tối ưu các nền tảng số giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển kinh tế số, từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số để góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng định hướng. Long An cũng tập trung các giải pháp phát triển xã hội số để người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho cộng đồng./.