Thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số

Thứ hai, 12/12/2022 16:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Năm 2022, bên cạnh việc tạo dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, TP. Hà Nội còn chú trọng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, bước đầu đạt hiệu quả tích cực.

Ngành giáo dục của Hà Nội đã và đang tích cực thực hiện hóa quá trình chuyển đổi số trong công tác dạy và học. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tập trung phát triển hạ tầng số

Ngày 03/6/2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó xác định Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (ba trụ cột chính của Chương trình chuyển đổi số), vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Trên cơ sở Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 06/9/2021, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 4098/QĐ-UBND phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tập trung thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; cải thiện chỉ số xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thực tế cho thấy, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục duy trì mạng diện rộng của Thành phố WAN đến 579/579 xã, phường, thị trấn; hệ thống họp trực tuyến của Thành phố (từ thành phố đến cấp xã); triển khai nội dung thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu Thành phố theo công nghệ điện toán đám mây, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ quan, bảo đảm an toàn thông tin.

Riêng hệ thống họp trực tuyến của Thành phố đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong đợt phòng, chống dịch COVID-19 từ năm 2021 như việc triển khai các cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội từ Thành phố đến cấp xã; triển khai kết nối liên thông Hệ thống họp trực tuyến của Thành phố với Hệ thống Họp trực tuyến của Văn phòng Chính phủ". 

Hướng tới chính quyền số, năm 2022, TP. Hà Nội cũng đã xác định một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như: Giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên - môi trường, đầu tư, tài chính, thuế,.... Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực trên đang được Thành phố triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo qui định.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số

Mới đây, tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Quán triệt quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm và huy động các nguồn lực cho chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đang giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện "Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Thành phố sẽ tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ cùng lộ trình cụ thể để các cấp, các ngành, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra tại Nghị quyết.

"Chúng tôi nhận thức rõ, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, cần có sự tham gia, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết", ông Nguyễn Tiến Sỹ nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết thêm, thời gian tới Hà Nội cũng sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát công tác chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt là sẽ xây dựng hệ thống đánh giá, chấm điểm độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khối sở, ngành, quận, huyện. Thành lập thêm các nhóm công nghệ số cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các bộ, ngành, địa phương và quốc tế trong triển khai chuyển đổi số gắn với các mục tiêu cụ thể.

Tất cả các chương trình đang thực hiện hiện nay cho thấy những hành động cụ thể của Hà Nội nhằm đạt mục tiêu xây dựng chính quyền số một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI) đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 100% thanh niên được tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật thông qua các ứng dụng pháp luật trực tuyến, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng; 15% số thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 15% số công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì; tăng 10% số thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ (so với năm 2020).

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính hướng tới chính quyền điện tử, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…

Thực tế báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng hiện nay tiến độ chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xử lý, phân tích, dự báo và tối ưu hóa hoạt động, quản lý kinh tế-xã hội, thực hiện xây dựng chính quyền số còn chậm. Chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số năm 2021 của Thành phố rất thấp, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và tỷ lệ được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn thấp... Đây là những hạn chế cần chính quyền Thành phố sớm nhận diện rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)