Hội thảo "Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Ảnh: VGP/Huy Thắng
41/63 địa phương xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, ngày 24/1/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị, có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Những nội dung quan trọng này cũng được đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát triển đô thị thông minh cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh, thành phố đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị. Ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh...
Tuy vậy, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn gặp một số hạn chế, bất cập và khó khăn vướng mắc.
Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, các nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh còn chưa có nhiều tiến bộ rõ nét trong các góc độ.
Thứ nhất, thiếu cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ, cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Thứ hai, những nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị như cây xanh, mặt nước tự nhiên, nỗ lực để đô thị xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn chưa nhiều.
Thứ ba, các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh chưa nhiều, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách.
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - Ảnh: VGP/Huy Thắng
Tăng tốc chuyển đổi số xây dựng đô thị đồng bộ hơn
Tại hội thảo "Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững", ông Nguyễn Thành Phong cho biết, đến nay hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu; chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng; chưa đa dạng phương thức kết nối vùng và bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, tỉ lệ đất dành cho giao thông ở mức thấp. Các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng. Hệ thống vận tải công cộng vận hành hiệu quả thấp (chỉ đạt khoảng 16-20% so với quy định Luật Giao thông đường bộ). An ninh, an toàn về nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục trong cấp nước chưa được bảo đảm, nhiều nơi người dân đô thị còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn.
Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị còn nhiều hạn chế, mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thoát nước đô thị. Tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại đô thị chỉ đạt khoảng 13%. Phần lớn các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động dưới công suất 50% công suất thiết kế và xây dựng. Tình trạng ngập úng đô thị thường xuyên xảy ra, kể cả đối với đô thị miền núi.
Cùng với đó, chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng, chưa đa dạng phương thức kết nối vùng…
Ông Nguyễn Thành Phong cho hay, Nghị quyết 06 đã nhấn mạnh nhiệm vụ "đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh".
Thực tiễn về chuyển đổi số hiện nay cho thấy, đã có 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số. 59/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.
Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1. Trong 3 trụ cột nêu trên, trụ cột chính quyền số có chỉ số trung bình cao hơn so với trụ cột kinh tế số và xã hội số, do kế thừa những kết quả của tiến trình phát triển Chính phủ điện tử.
Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, DN có kinh nghiệm trong và ngoài nước đã chia sẻ về việc gắn kết giữa chuyển đổi số với xây dựng đô thị thông minh; phát triển hạ tầng đô thị xanh, thông minh, đô thị sinh thái và những lưu ý khi áp dụng các công nghệ số, nền tảng số tại các đô thị…
TS. Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Sgroup giới thiệu về hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị liên thông ứng dụng nền tảng GIS.
Với DN, hệ thống này cho phép khai thác, chia sẻ các thông tin pháp lý, thông tin quy hoạch xây dựng, đô thị. Đây là kênh thông tin phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động tại các địa phương.
Tùy vào mức độ phát triển của hệ thống có thể cho phép các cá nhân, tổ chức, DN thực hiện thủ tục hành chính theo các cấp độ khác nhau như xin cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch... hoặc phát triển các tiện ích trên cơ sở các dữ liệu được hệ thống phân cấp cho phép sử dụng. Đối với người dân, hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là cổng kết nối giữa người dân và chính quyền các cấp; hỗ trợ người dân tra cứu các thông tin về chính sách pháp luật, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn; phản ánh kịp thời những vi phạm, bất cập, thúc đẩy người dân tham gia công tác quản lý đô thị .
Còn ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ của Viettel đã giới thiệu tầm nhìn phát triển hạ tầng số trong tương lai.
Đại diện Viettel đưa ra một số kiến nghị như cần xem xét cơ chế chính sách chia sẻ, sử dụng các hạ tầng như điện, chiếu sáng để phát triển hạ tầng kết nối (4G/5G/IoT) cho các trạm siêu nhỏ bảo đảm vùng phủ sóng cho các công nghệ kết nối khác nhau. Quy hoạch nền tảng internet vạn vật (IoT) chung cho các ứng dụng tiện ích công như (điện, nước, bãi đỗ xe, giám sát không khí môi trường) đây là nền tảng để thu thập dữ liệu và điều khiển thiết bị.
Quy hoạch chuẩn hóa về tiêu chuẩn kết nối, giao thức tạo ra hệ sinh thái các dịch vụ, nhà cung cấp giải pháp phong phú sẵn sàng cho đô thị thông minh. Qua 2 phòng thí nghiệm tại Hà Nội và TPHCM, Viettel sẵn sàng hỗ trợ các DN tích hợp và đánh giá các ứng dụng với mạng lưới và nền tảng IoT.