Năm 2021, tỉnh Bến Tre thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 2 huyện (Châu Thành và Bình Đại) và 10 xã thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn. Sau một năm triển khai, công tác chuyển đổi số tại Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Sau một năm triển khai chuyển đổi số, công tác chuyển đổi số tại Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả tích cực - Ảnh minh họa
Xây dựng chính quyền số tại huyện Châu Thành
Huyện Châu Thành là một trong 2 địa phương được tỉnh Bến Tre chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số cấp huyện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Xác định xây dựng hạ tầng số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chuyển đổi số, UBND huyện Châu Thành đã đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn và phục vụ cho người dân. Các thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đại biểu HĐND huyện và thành viên UBND huyện được trang bị máy tính bảng để phục vụ công tác. Toàn khu vực hành chính của huyện được lắp đặt hệ thống mạng Internet và wifi, giúp cán bộ, công chức truy cập thông tin, tài liệu phục vụ họp không giấy; tổ chức, cá nhân truy cập thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục trực tuyến.
Hiện 21 xã, thị trấn của huyện đang triển khai thành lập trang thông tin điện tử để đăng tải các chủ trương của Nhà nước, những hoạt động tại địa phương để người dân, doanh nghiệp theo dõi, góp ý cho hoạt động điều hành tại chính quyền. Đồng thời, đây cũng là kênh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét văn hóa đặc trưng của địa phương.
Ở cấp huyện, hiện có 133 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Trong đó, có 22 thủ tục mức độ 3, 111 thủ tục mức độ 4. Ở cấp xã, có 65 thủ tục, trong đó 50 thủ tục mức độ 3, 15 thủ tục mức độ 4. Trong năm 2021, huyện có 13.729 hồ sơ, thủ tục được giải quyết theo hình thức trực tuyến.
Huyện Châu Thành cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, nhất là kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử. Đồng thời, lắp đặt và đưa vào vận hành các trạm quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động. Người dân có thể truy cập vào ứng dụng trên thiết bị di động để theo dõi thông tin độ mặn được cập nhật theo thời gian thực hiện, từ đó, chủ động lấy nước tưới tiêu.
Huyện đã số hóa quá trình thủ tục đất đai, thông tin, dữ liệu; đưa cơ sở dữ liệu lên nền tảng bản đồ số và nền tảng website. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai được tập trung xây dựng mang tính chất nền tảng, phục vụ xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin trong ngành. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đáp ứng nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp…
Đáng chú ý, huyện đã hoàn thành phần mềm quản lý một số điểm du lịch của huyện chạy trên nền web, số hóa các điểm du lịch trên nền 2D, xây dựng mô hình 3D các điểm du lịch như: Cồn Phụng (xã Tân Thạch), Làng Bè, Làng Xanh (xã An Khánh), Chi nhánh Công ty Lô Hội, Quốc Phương (xã Phú Túc) và cơ sở Nghênh Xuân (xã Thành Triệu)… Phát triển ứng dụng trên website cung cấp cho khách du lịch các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch. Triển khai hệ thống du lịch thông minh đáp ứng đầy đủ yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, du khách. Bên cạnh đó, việc tích hợp chuyển đổi số trên nền tảng website giới thiệu các tour du lịch nhằm phát triển du lịch tại các vùng, mở rộng ứng dụng trên điện thoại giúp việc sử dụng, truy cập trở nên nhanh chóng, tiện lợi.
Chuyển đổi số làm thay đổi toàn diện bộ mặt của xã
Là xã thí điểm thực hiện chuyển đổi số ở huyện Châu Thành, xã Tân Thạch đã tận dụng được cơ hội, tạo được những bước chuyển mới trong việc ứng dụng công nghệ số trong điều hành hệ thống chính quyền, phát triển kinh tế và các lĩnh vực của xã hội.
Một năm thực hiện thí điểm đã làm thay đổi toàn diện cho xã. Nhận thức về chuyển đổi số và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên, nắm vững và thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong thực thi nhiệm vụ.
Có 3 sản phẩm ứng dụng công nghệ số được áp dụng hiệu quả là: Hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống camera an ninh và trạm quan trắc độ mặn tự động. Trạm quan trắc mặn tự động được lắp đặt tại khu vực cống Cầu Chợ (ấp Tân An Thị), sử dụng năng lượng mặt trời, tự động đo độ mặn và cập nhật vào hệ thống quản lý chung. Mọi người có thể cài đặt ứng dụng Rynan Mekong quan trắc độ mặn trên điện thoại di động và theo dõi độ mặn được đo bất cứ lúc nào. Hệ thống được lắp đặt và đưa vào sử dụng từ đầu mùa khô 2021-2022, giúp người dân và địa phương chủ động ứng phó hạn mặn.
Hệ thống camera an ninh có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo do Công an xã Tân Thạch quản lý. Hệ thống được trang bị 2 camera chính tại 2 tuyến đường chính, trọng yếu của xã, hỗ trợ cho việc quản lý, kiểm soát tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, xã còn được triển khai các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức cấp xã; tuyên truyền, tập huấn về thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần giúp cho người dân nắm được các kiến thức cơ bản.