UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 5755/KH-UBND ngày 02/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang năm 2022.
Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt được trong thời gian vừa qua để từng bước thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 433-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện và phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội.
Mục tiêu về phát triển Chính quyền số tỉnh trong năm 2022: 100% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là 90%, 80% và 50%; trên 80% chế độ báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; trên 70% CSDL tạo nền tảng phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ; trên 50% hoạt động kiểm tra được thực hiện thông qua môi trường số.
Mục tiêu về phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2022: 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu về phát triển hạ tầng CNTT và an toàn thông tin trong năm 2022: 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; 100% cơ quan nhà nước kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; tối thiểu 70% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; Tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ; 100% cán bộ công chức, viên chức và người lao động được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin; 100% cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin; 100% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ nuôi dưỡng trẻ em được tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn; 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: (1) Hoàn thiện môi trường pháp lý chuyển đổi số; (2) Phát triển hạ tầng số ; (3) Phát triển các nền tảng, hệ thống; (4) Phát triển các nền tảng, hệ thống; (5) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ; (6) Bảo đảm an toàn thông tin; (7) Phát triển kinh tế số; (8) Phát triển xã hội số; (9) Chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên như: Y tế, giáo dục và đạo tạo; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và đầu tư;…; (10) Phát triển nguồn nhân lực CNTT.
Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan, địa phương mình và chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số để xây dựng thành công “cơ quan số” tại ngành mình, cấp mình; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của ngành mình, địa phương mình trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin điện tử thành phần của cơ quan, đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.
Nguồn ngân sách cấp tỉnh cân đối, cấp kinh phí cho các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thành phố chủ động bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022.