Thực hiện chương trình chuyển đổi số, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung vào 3 trụ cột gồm Phát triển chính quyền số; Xây dựng xã hội số; Phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
Hiện nay, tỉnh này tích cực triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi số theo lộ trình đề ra.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 97%. Quy mô vốn ít nên các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là đối tượng rất cần chuyển đổi số để bắt kịp với xu hướng, tăng khả năng thích ứng với xu thế mới.
Bà Đặng Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, doanh nghiệp phải thích ứng ngay để tồn tại, phát triển, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. “Theo xu thế phát triển thì cách mạng 4.0 là cơ hội cho các doanh nghiệp, mặc dù dịch bệnh Covid-19 thì vẫn phát triển mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch. Các đơn vị chúng tôi tất cả đều làm việc trực tuyến, chỉ đạo qua online, quảng bá mặt hàng qua online” - bà Đặng Thị Thùy Dương nói.
Trung tâm Điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang hoàn thiện các thể chế về chuyển đổi số và nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số. Tỉnh chủ trương từng bước hoàn thiện và tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến hành số hóa dữ liệu tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng.
Năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu "4 không, 1 có". Đó là, làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có số hóa. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế đưa Trung tâm Điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vào hoạt động.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trung tâm đóng vai trò là “bộ não” tổng hợp thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, phân tích, xử lý... từ đó đưa ra các báo cáo, quyết định, phục hoạt động quản lý điều hành của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và từng địa phương.
“Phòng họp thông minh được xử lý trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Một số tính năng mà hiện nay chúng tôi đang tổ chức thực hiện đó là tính năng nhận diện khuôn mặt các thành viên ủy ban hoặc các thành phần vào họp. Chúng tôi có hệ thống bút kí thông minh, tự động thu âm và giả băng kết luận tại phiên họp, giúp cho người điều hành cũng như người soạn thảo văn bản ra chỉ đạo nhanh nhất trong thời gian sau khi họp” - bà Trần Thị Hoài Trâm nói.
Dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
Chuyển đổi số và các khái niệm liên quan vẫn còn mới mẻ đối với doanh nghiệp, người dân, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp cận và áp dụng. Tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch chuyển đổi trong 5 năm, với phương châm xuyên suốt lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực và nhà nước kiến tạo.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng; phổ cập điện thoại di động và các dịch vụ thiết yếu cho người dân, đẩy mạnh chương trình kết nối từ Trung ương đến địa phương, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
“Việc đầu tiên quan trọng nhất là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước hay nói cách khác là hướng tới xây dựng chính quyền số. Từ hiệu quả trong cơ quan nhà nước xây dựng chính quyền số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số. Chuyển đối số càng nhanh thì dữ liệu cũng như các loại hình để phân tích, đánh giá, phục vụ cho trung tâm điều hành UBND ngày càng tốt và hiệu quả” - ông Nguyễn Xuân Sơn nói.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với Quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước; toàn bộ cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành; tỷ trọng kinh tế số đóng góp 20% tổng GRDP toàn tỉnh.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, địa phương hướng tới phục vụ tất cả người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.
“Tạo điều kiện cho công dân tham gia nhiều hơn với chỉ một cửa trực tuyến trên môi trường mạng ở cấp độ 3, cấp độ 4. Đặc biệt, là có cơ sở dữ liệu công dân, tổ chức, doanh nghiệp đầy đủ hơn và hướng tới tất cả giấy tờ đã lưu vào cơ sở dữ liệu chung của tỉnh. Theo đó, công dân, tổ chức chỉ phải nộp lần đầu và không phải nộp khi tham gia giải quyết hành chính ở những lần tiếp theo” - ông Phan Ngọc Thọ nói.