Ngày 20/4/2021, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp chủ yếu nâng cao năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Đề tài do Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo tóm tắt đề tài trước Hội đồng, thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Lê Trung Thành - chủ nhiệm đề tài cho biết: trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, xu thế phát triển vật liệu xây dựng trên thế giới gắn liền với ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tận thu các loại phế thải công nghiệp, giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, song việc đầu tư phát triển sản xuất đối với một số loại vật liệu xây dựng còn chưa hợp lý, quy mô nhỏ và phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao; việc nghiên cứu phục hồi môi trường sau khai thác các khoáng sản làm vật liệu xây dựng chưa được chú trọng đúng mức; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng ở một số lĩnh vực còn thấp hơn so với trình độ phát triển khoa học công nghệ hiện nay ở khu vực và thế giới, đặt ra yêu cầu cần được thay thế, đổi mới. Bên cạnh đó, nhân lực kỹ thuật được đào tạo bài bản trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng còn mỏng, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành Xây dựng.
Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 là đặc biệt cần thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tập trung vào 2 nhóm là ngành xi măng và kính xây dựng ở Việt Nam. Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn sâu đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý của 23 tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất xi măng và kính xây dựng; tổ chức 2 hội thảo khoa học gắn với các nội dung nghiên cứu; khảo sát thực tế 271 doanh nghiệp, trong đó có 130 doanh nghiệp sản xuất xi măng, 141 doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng và một số đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng.
Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành sản xuất xi măng và sản xuất kính ở Việt Nam, nhóm đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất 2 loại vật liệu xây dựng này trong bối cảnh tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, với việc quản lý số hóa nguồn nguyên liệu; quản trị chuỗi cung ứng cho hoạt động đầu vào; quản trị hệ thống phân phối và các hoạt động logistic cho phân phối; quản trị quan hệ khách hàng; quản trị quá trình sản xuất và bảo trì hệ thống.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng tăng công suất thực tế, bố trí lao động sau cổ phần hóa, cải thiện môi trường làm việc và tăng cường các biện pháp về an toàn lao động; từng bước hình thành các nhà máy thông minh trong sản xuất xi măng và kính xây dựng…Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý, điều hành thông qua việc xây dựng, ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa chính sách trong các chiến lược về vật liệu xây dựng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng siết chặt các quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng; khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vật liệu xây dựng một cách bền vững.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá cao sự chuyên nghiệp, nghiêm túc của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài. Theo Hội đồng, nhóm đã hoàn thành đầy đủ các yêu cầu theo đề cương được duyệt. Báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài có lượng thông tin phong phú, logic, dễ hiểu, đã nêu lên bức tranh toàn cảnh thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất xi măng và kính xây dựng ở Việt Nam; phân tích rõ những cơ hội, thách thức của các doanh nghiệp sản xuất 2 loại vật liệu này trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0; qua đó đề xuất nhiều giải pháp hợp lý, có tính khả thi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất xi măng và kính xây dựng.
Các chuyên gia thành viên Hội đồng cũng đã góp ý một số nội dung: cần làm rõ hơn những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp; đưa ra những đề xuất, kiến nghị dành cho các đối tượng cụ thể (Nhà nước, Chính phủ, Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp).
Kết luận cuộc họp, Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của Hội đồng, sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài để trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu đề tài với kết quả xếp loại Khá.