Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị - nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đồng thời nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm…
Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã nêu rõ mục tiêu tổng quát: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; Phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; Nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Để thực hiện hóa các mục tiêu trên, Bộ Chính trị đã chỉ đạo một số chủ trương, chính sách để các ngành, các cấp chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Bộ Chính trị yêu cầu, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc CMCN 4.0, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm; Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ tham gia CMCN 4.0 với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.
Để chủ trương, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0; Chuẩn hóa và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp; Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chuyển đổi số; Hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.
Có thể nói, Nghị quyết thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam khi coi “Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tết yếu khách quan, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”. Việt Nam cũng đã xác định: nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Chúng ta có thể vận dụng những chủ trương sáng suốt của Nghị quyết để giải quyết một số vấn đề cấp bách như thực hiện đề án đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, nắm bắt internet vạn vật và một số ứng dụng mới trong cuộc sống như: Giao thông kết nối, nhà thông minh, đô thị thông minh và chăm sóc sức khỏe kết nối, thiết bị đeo kết nối…
Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng tới sự phát triển và hoàn thiện đô thị thông minh
Với bối cảnh hiện nay, cuộc CMCN 4.0 có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và hoàn thiện của đô thị thông minh trong thế kỷ XXI. Việc định hình đô thị thông minh cần dựa trên các yếu tố tác động của CMCN 4.0 như chính quyền đô thị, sự thích ứng của công dân thông minh, dịch chuyển thông minh…. Cụ thể:
Thứ nhất, tác động của CMCN 4.0 tới sự phát triển của chính quyền đô thị thông minh. Đô thị là nơi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển có tính liên thông, đồng bộ, mật độ dân cư cao. Hiện nay, Việt Nam có tới 833 đô thị lớn nhỏ, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam năm 2019 là 38,4% và dự kiến sẽ vượt mốc 40% vào năm 2020. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị và kéo theo nhiều hệ lụy. Để ứng phó với thách thức này, chính quyền đô thị cần có phương thức quản trị phù hợp trước xu thế bùng nổ dân số tại các thành phố lớn.
Thứ hai, tác động của CMCN 4.0 tới sự phát triển của công dân thông minh. Cộng đồng cư dân là người trực tiếp thụ hưởng những thành quả và sản phẩm của CMCN 4.0. Hiện nay, công dân thông minh biết sách sử dụng những lợi thế của CMCN 4.0 để phát huy bản thân mình nhờ mạng xã hội. CMCN 4.0 giúp cho công dân thông minh có định hướng cá nhân, tự tạo ra các cơ hội để hành động. Dựa trên nền tảng công nghệ số, quá trình đào tạo của công dân sẽ là quá trình tự sử dụng các mô hình thông minh mới như: Phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh để hoàn thiện tri thức mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba, CMCN 4.0 tác động tới sự dịch chuyển thông minh. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ quản lý dòng phương tiện đã trở nên phổ biến trong đầu thế kỷ XXI và được bắt đầu bằng công tác kiểm soát tín hiệu giao thông ở các ngã tư và khu vực giao cắt đường sắt. Trên thế giới, nhiều hãng sản xuất phương tiện đã cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các loại phương tiện an toàn, thoải mái hơn và đặc biệt là sử dụng công nghệ và thân thiện với môi trường. Những công nghệ về dịch chuyển thông minh được biết đến với tên gọi hệ thống giao thông thông minh (ITS – Intelligent Transportation Systems). ITS tạo ra một hệ thống giao thông an toàn hơn, thuận tiện hơn và giảm tác động đến môi trường. Có thể nói, phát triển giao thông thông minh được xem là chìa khóa giải quyết vấn đề giao thông trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa và tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân… làm tiền đề cho việc xây dựng hệ thống giao thông phát triển có tính bền vững trong tương lai.
Giải pháp nào cho đô thị thông minh?
Đô thị thông minh là một bài toán phức tạp, cần phải hiểu đúng và có những giải pháp phù hợp với từng đô thị. Thế giới đang hướng đến phát triển đô thị thông minh và để giải quyết những vấn đề đô thị đang đặt ra, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hiện nay, tại Việt Nam đã có hơn 20 tỉnh, thành phố đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình thức khác nhau đang là rào cản để tiến tới phát triển thành phố thông minh bền vững. Chính vì thực tế đó, giải pháp cho phát triển đô thị thông minh cần được hiểu một cách đúng đắn và cặn kẽ để đưa ra những thiết chế phù hợp tránh tình trạng làm theo phong trào và tránh gây lãng phí. Phát triển đô thị thông minh cần phải cấu thành từ 6 yếu tố cơ bản.
Trong các yếu tố đó, con người là yếu tố đầu tiên và chi phối mọi yếu tố khác. Bởi trí tuệ, ý thức của con người có thông minh thì mới có thể kiến tạo được thành phố thông minh. Một đô thị thông minh rất cần những cư dân đô thị thông minh phải có trình độ học vấn và trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ hiểu biết nhất định nào đó. Vì rõ ràng muốn đô thị thông minh, chúng ta bắt buộc phải sử dụng công nghệ, không có trình độ nhất định, không khai thác được công nghệ đó thì đô thị sẽ không thông minh. Thêm vào đó, tính đa dạng về văn hóa và sắc tộc, tính sáng tạo, tính năng động của công dân, sự tham gia tích cực vào hoạt động cộng đồng cũng góp phần tạo nên một đô thị thông minh và văn minh.
Yếu tố thứ hai không kém phần quan trọng đó là nền kinh tế thông minh. Trong đó, các nhà lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp sẽ là nền tảng để tạo ra sự tăng trưởng về kinh tế, tài chính của đô thị bằng những suy nghĩ thông minh. Sẽ phải có những ngành kinh tế mới mà đô thị truyền thống không thể có. Đó là những ngành tận dụng công nghệ, tận dụng sự kết nối để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế đô thị. Bên cạnh đó, kinh tế thông minh còn là các giải pháp hợp tác, đầu tư, sản xuất, tinh thần khởi nghiệp, tính sáng tạo, tính linh hoạt thích ứng với biến đổi thị trường, khả năng hội nhập quốc tế, khả năng chuyển đổi số, du lịch, trang trại thông minh…
Yếu tố thứ ba đó là sự quản trị thông minh hay nói cách khác là chính quyền thông minh. Để quản lý con người và nền kinh tế thông minh thì phải có những cách thức, công cụ, quan điểm quản trị theo một cách khác thay vì phương pháp thủ công. Quản trị thông minh là cách quản trị mà chúng ta cần phải đáp ứng được nhu cầu trong thông minh hóa thành phố. Chính quyền điện tử với quyết sách thông minh, giám sát, dự báo ngập lụt và điều phối phương tiện giao thông tránh ùn tắc bằng hệ thống ITS; các kết nối thuận lợi và quốc tế bằng năng lực của hạ tầng công nghệ thông tin với băng thông lớn, thu thập số liệu tự động; theo dõi tức thời bằng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến RFID… đã giải quyết tốt các vấn đề nhằm tăng cường hiệu quả, cải thiện tương tác trong quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ cho người dân cũng như tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính.
Yếu tố thứ tư là môi trường thông minh. Thành phố thông minh phải là một thành phố kiểm soát được các vấn đề về môi trường. Cần bảo vệ môi trường, xử lý rác theo công nghệ thông minh, biến rác thành năng lượng cũng như tìm kiếm các dạng năng lượng sạch và thông minh khác. Môi trường thông minh phải ứng phó hiệu quả với ngập lụt, giao thông thuận lợi, phòng cháy chữa cháy từng bước bằng công nghệ hiện đại, hiệu quả và thân thiện môi trường, quản lý tài nguyên bền vững.
Sự dịch chuyển thông minh cũng là yếu tố cần được quan tâm trên con đường tiến tới đô thị thông minh. Sự dịch chuyển thông minh chính là vấn đề giao thông, hướng đến xây dựng và phát triển một hệ thống giao thông, vận tải đồng bộ, kết nối bảo đảm an toàn, xanh và sạch, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải. Hiện tại, chúng ta đang mất quá nhiều thời gian để di chuyển ngoài đường do chưa giải quyết được các vấn đề về giao thông.
Yếu tố thứ sáu là cuộc sống thông minh với hệ thống giao thông an toàn, hữu hiệu, tiện lợi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh chóng, tiện ích văn hóa – giáo dục – y tế, an toàn cá nhân, chất lượng nhà ở, sinh hoạt, tính kết nối chặt các bên liên quan với cộng đồng, môi trường làm việc an toàn, an ninh mạng được bảo đảm.
Với xu thế phát triển của khao học công nghệ, những dịch chuyển để hướng tới phát triển thành phố thông minh là giải pháp tất yếu cho những vấn đề đô thị. Để hình thành và phát triển có hiệu quả đề án đô thị thông minh, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải thông qua các công nghệ ICT hiện đại như mạng lưới IoT và điện toán đám mây, đi kèm big data… đó là các công cụ giúp cho chính quyền đô thị cung cấp tốt dịch vụ và tiện ích cho các cộng đồng dân cư. Trong xây dựng đô thị thông minh thành công, rất cần sự minh bạch và chia sẻ thông tin, tham gia của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, doanh nghiệp, kể cả các định chế tài chính trong và ngoài nước cùng các tổ chức xã hội. Đặc biệt là người dân có ý thức góp sức cùng chính quyền xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại hơn trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Một số đề xuất, kiến nghị đối với phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam hiện nay
Dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0 trên thế giới đã hình thành rất nhiều đô thị thông minh. Các đô thị ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Để phát triển đô thị thông minh có rất nhiều việc phải làm, trước tiên cần tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, cần có một chiến lược phát triển đô thị thông minh ở cấp độ quốc gia. Chiến lược này phải được tính toán nhằm đưa ra các tiêu chí phát triển tiệm cận được với xu hướng chung của thế giới trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Thứ hai, sớm xây dựng, ban hành khung pháp lý quy hoạch và quản lý đô thị thông minh (bộ tiêu chí) nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước về phát triển đô thị thông minh, đồng thời tạo ra một công cụ hữu hiệu cho việc áp dụng và triển khai phát triển đô thị thông minh tại từng thành phố. Chính quyền xây dựng cho mình các chuẩn mực phù hợp về đô thị thông minh đối với từng lĩnh vực.
Thứ ba, các đô thị khi xây dựng thành phố thông minh cần thực hiện quá trình nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc trong xây dựng chiến lược phát triển đô thị thông minh và lồng ghép trong quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời đánh giá thực trạng về quy hoạch, đặc điểm vị trí địa lý, dân số, văn hóa, giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa… để từ đó tìm ra những thế mạnh, điểm yếu của địa phương trong phát triển đô thị.
Thứ tư, xây dựng lộ trình đảm bảo việc quy hoạch và phát triển đô thị thông minh tại các đô thị với việc đảm bảo cung cấp hạ tầng, điều kiện sống cho người dân đô thị; trong đó, cần lấy con người làm trung tâm, để có thể định hình và hoàn thiện các nội dung về phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông, vấn đề về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế.
Thứ năm, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được cân nhắc và lựa chọn có trọng điểm để tạo ra sự lan tỏa trong việc phát triển. Do Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh với sự ra đời và xoay vòng liên tục của các công nghệ mới, nên việc ứng dụng vào phát triển đô thị cần phải thu hút các nguồn lực từ xã hội không chỉ trong nước mà còn từ bên ngoài để tối ưu hóa được chi phí.
Thứ sáu, cần nâng cao năng lực quản lý vận hành và phát triển đô thị thông minh của các bên có liên quan như cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ cũng như cộng đồng người dân và các tổ chức chính trị xã hội.
Để Nghị quyết số 52-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, việc hình thành và phát triển có hiệu quả đề án đô thị thông minh ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thành tựu đó là các công cụ giúp cho chính quyền đô thị cung cấp tốt dịch vụ, tiện ích cho các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là những giải pháp thực thi phải hướng đến sự đồng thuận cao nhất của các bên liên quan trong cộng đồng, trong đó luôn lấy con người là yếu tố trung tâm Việt Nam cần kết hợp hài hòa những xu hướng phát triển của nền khoa học công nghệ trên thế giới và các đặc thù của mình, phù hợp với nguồn lực tài chính, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, như vậy mới có thể xây dựng được một đô thị thông minh đúng nghĩa.