Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 23/08/2024 17:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến với các nội dung kiến nghị:

1. Theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị (QHĐT), tại khoản 6 Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, được sửa đổi bổ sung tại khoản 7 Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, quy định: “5. Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quy hoạch chung đô thị trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch này.”. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng (QHXD), tại khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung tại khoản 9 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, quy định: “4. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập QHXD có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.”.

Theo đó, Luật Xây dựng chưa quy định cụ thể về cấp độ QHXD (Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng; quy hoạch chung xây dựng xã; các quy hoạch chi tiết xây dựng) đều phải thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi phê duyệt, Nếu tất cả các cấp độ quy hoạch xây dựng (kể cả quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng) đều phải thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp thì không đồng bộ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, gây khó khăn, chậm trễ trong quá trình thực hiện (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị thường có tính chất, mức độ phức tạp hơn trong khi quy hoạch xây dựng thì không quy định thông qua Hội đồng nhân dân; trong khi đó, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải thông qua Hội đồng nhân dân); sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện, không đáp ứng yêu cầu về tiến độ lập các đồ án quy hoạch xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các QHXD, kịp thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như triển khai thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về QHĐT và QHXD. (Câu số 8)

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch quy định: "Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt".

Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 19, điểm c khoản 2 Điều 26 và khoản 2 Điều 54 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn quyết định quy hoạch xây dựng. Do đó, UBND các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định quy hoạch xây dựng, trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trình tự, thủ tục việc UBND các cấp báo cáo, trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định được thực hiện theo quy chế làm việc của cơ quan nhà nước tại địa phương và đảm bảo phù hợp với quy định về hoạt động của chính quyền địa phương được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV. Trong đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và đề xuất chỉnh sửa tại khoản 5 Điều 41 dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, cụ thể: “Đối với quy hoạch chung thành phố, thị xã, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đối với quy hoạch chung do Bộ Xây dựng tổ chức lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan có trách nhiệm thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”. Bộ Xây dựng tiếp tục ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Bình Định để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật.

2. Theo quy định tại Thông tư số 12/2023/TT-BXD ngày 20/11/2023 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên, đối với các đồ án quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên được Bộ Xây dựng phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung, trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay một số huyện trên địa bàn tỉnh được định hướng lên đô thị loại IV thuộc đô thị mới, có quy mô dân số hiện trạng tương đương đô thị loại III, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị sẽ thuộc Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ; sau khi được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV thì thẩm quyền phê duyệt thuộc UBND tỉnh; do đó, trường hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị thì UBND tỉnh không đủ thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên việc điều chỉnh quy hoạch phải trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, việc này làm phát sinh thủ tục hành chính liên thông quốc gia, kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các quy hoạch cấp dưới và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng có liên quan. Do đó, cử tri kiến nghị xem xét phân cấp thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới cho UBND cấp tỉnh. (Câu số 9)

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

- Tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 12/2023/TT-BXD ngày 20/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên quy định: “Phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên; thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009”.

- Tại điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị đối với các quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên.

- Tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị đối với Quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, đô thị mới, trừ các quy hoạch đô thị quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Luật quy hoạch đô thị; đối với đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới, trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

- Căn cứ các quy định pháp luật trên, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và trình Bộ Xây dựng thẩm định trước khi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định. Đối với các đô thị đã được công nhận là đô thị loại IV, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

- Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV. Trong đó, Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu và đề xuất phương án mở rộng phân cấp cho UBND các cấp đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới.

3. Theo nội dung quy định tại Điều 2 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP, quy định trường hợp lập quy hoạch tổng mặt bằng (quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn) phải đảm bảo điều kiện khu đất lập quy hoạch phải thuộc khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt. Tuy nhiên, đối với các dự án sản xuất công nghiệp nẳm ngoài các cụm công nghiệp; các dự án khu, điểm dân cư nông thôn và các dự án khác thuộc khu chức năng xã đã có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt, không có yêu cầu lập quy hoạch phân khu thì có thuộc trường hợp áp dụng lập quy hoạch tổng mặt bằng hay không. Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, tham mưu Chính phủ có quy định cụ thể đối với các trường hợp nêu trên để làm cơ sở áp dụng, thực hiện đảm bảo theo quy định. (Câu số 10)

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Tại Điều 2 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (gọi tắt là Nghị định 35) có quy định: "4. Các khu vực trong khu chức năng thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, khi thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng (đối với trường hợp quy định phải lập quy hoạch phân khu xây dựng), làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và triển khai các công việc khác theo quy định của pháp luật liên quan. Đối với các lô đất có quy mô nhỏ quy định tại khoản 5 Điều này thì được lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy trình rút gọn (gọi là quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng)";

- Căn cứ quy định nêu trên và các quy định pháp luật hiện hành thì hiện nay chưa có quy định về việc lập quy hoạch tổng mặt bằng đối với các dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài các cụm công nghiệp; các dự án khu, điểm dân cư nông thôn và các dự án khác thuộc khu chức năng xã đã có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt, không có yêu cầu lập quy hoạch phân khu.

- Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 trong năm 2024. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến trên của UBND tỉnh Bình Định để tiếp tục nghiên cứu đề xuất, bổ sung quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể hơn đối với từng trường hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

4. Về thành phần hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng có yêu cầu về bản vẽ phương án kiến trúc công trình, tuy nhiên không có hướng dẫn cụ thể về nội dung thể hiện phương án kiến trúc công trình, do đó đề nghị hướng dẫn cụ thể về thành phần và nội dung thể hiện đối với phương án kiến trúc công trình để làm cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định. (Câu số 11)

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Thành phần hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng đã được quy định tại Điều 1, Điều 2 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, cụ thể: “Quy hoạch tổng mặt bằng gồm bản vẽ tổng mặt bằng; phương án kiến trúc công trình phải thể hiện được vị trí quy mô công trình, hạng mục công trình trong lô đất; xác định cụ thể cao độ nền xây dựng, chỉ giới xây dựng (chỉ giới xây dựng phần nổi, phần ngầm của công trình), màu sắc công trình và các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng; bảo đảm sự đấu nối hạ tầng kỹ thuật và phù hợp về không gian kiến trúc với khu vực xung quanh;”. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Bình Định để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể hơn đối với từng trường hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quá trình hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch thời gian sắp tới.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4749/BXD-QHKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)