Trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 09/08/2024 16:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ chuyển  với nội dung kiến nghị như sau: Vấn đề về “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, lãng phí, khó khăn và bức xúc cho người dân; nhiều quy hoạch kéo dài 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện; làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, người dân trong ranh quy hoạch khó khăn còn Nhà nước thì thất thu ngân sách, mỹ quan đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo không đảm bảo. Cử tri kiến nghị tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch và kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn, không có tính khá thi, phục hồi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 4508/BXD-QHKT trả lời như sau:

Tình trạng “quy hoạch treo” hay “dự án treo” do việc tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là hiện tượng không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi hợp pháp, cuộc sống người dân như cử tri đã nêu mà còn gây lãng phí tài nguyên, giảm hiệu quả, chất lượng của đô thị và gây bức xúc trong xã hội.

Thời gian qua, để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi số 62/2020/QH14, trong đó quy định người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về việc kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, hàng năm, Bộ Xây dựng đã ban hành các kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt. Nội dung hướng dẫn, kiểm tra chủ yếu về việc thực hiện, áp dụng và hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan; tình hình thực tiễn thông qua các báo cáo, số liệu của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc; thực hiện, ban hành chính sách pháp luật; công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch; việc tổ chức lấy ý kiến; công tác công bố quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch; quản lý kiến trúc; quản lý hạ tầng kỹ thuật, môi trường, phát triển đô thị theo quy hoạch. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã tổ chức các đoàn thanh tra tại các địa phương trong công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã rà soát để sửa đổi, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn; một số địa phương cũng đã điều chỉnh các quy định, ban hành các văn bản chấn chỉnh việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt, thực hiện việc cung cấp thông tin về quy hoạch; các chủ đầu tư cũng đã chấn chỉnh việc đăng tải thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, khắc phục các vi phạm về quy hoạch chi tiết xây dựng và xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2390/BXD-QHKT ngày 05/6/2023 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng xã để phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; tổ chức rà soát các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt trên địa bàn đồng thời với việc rà soát các dự án chậm triển khai, dự án đã bị thu hồi để điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật; rà soát, bổ sung nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (nếu có); bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch để thực hiện quản lý phát triển đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng hiệu quả, đồng bộ.

Để khắc phục triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ, ngành và chính quyền các địa phương, cụ thể:

(1) Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung:

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng; xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội (hiện nay, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024); pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở,… trong đó có các nội dung liên quan quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, về năng lực quản lý và nhân sự; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn đối với chất lượng quy hoạch. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị Quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển theo đô thị theo quy hoạch được duyệt.

- Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông.

- Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

(2) Chính quyền các địa phương cần:

- Tổ chức rà soát quy hoạch theo quy định, kịp thời điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại các Điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52 của Luật Quy hoạch đô thị. Rà soát để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch thiếu khả thi, không thể triển khai thực hiện; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

- Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, ưu tiên đầu tư hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Xây dựng chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ đô thị hóa và chất lượng đô thị.

- Kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.

- Tăng cường việc giám sát của người dân, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc,… trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để khảo sát, trao đổi, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện rà soát quy hoạch, các dự án đầu tư để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ; đồng thời nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4508/BXD-QHKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)