Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV

Thứ sáu, 26/07/2024 16:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc gửi kèm theo văn bản số 4373/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2024 của Văn phòng Chính phủ  với các nội dung kiến nghị:

1. Kiến nghị số 89a:  “Giai đoạn từ 2019 đến nay, ngành Giao thông vận tải nói riêng, ngành xây dựng nói chung có nhiều công trình, gói thầu được thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định. Tuy nhiên quá trình thực hiện hợp đồng, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (giai đoạn từ cuối 2019 đến 2022), các nhà thầu thi công phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, dẫn đến kéo dài thời gian thi công, cùng với tình hình bất ổn trong khu vực, như xung đột Nga-Ukraine, dẫn đến giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu tăng cao so với thời điểm ký kết hợp đồng. Các nhà thầu thi công gặp rất nhiều khó khăn do càng thi công, càng thua lỗ, trong khi hợp đồng không được điều chỉnh giá. Đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công xây lắp bị ảnh hưởng bởi biến động giá nguyên, nhiên vật liệu do yếu tố khách quan, không do lỗi của đơn vị thi công”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xin trả lời vấn đề này như sau:

Các vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của biến động giá nguyên liệu, vật liệu giai đoạn từ 2019 đến 2022 đã được Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3102/BXD-KTXD ngày 10/8/2022. Trong đó Bộ Xây dựng đã có phân tích về tác động của việc biến động giá nhiên liệu, vật liệu đến việc triển khai thực các hợp đồng xây dựng (cụ thể đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định); các giải pháp đã được Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương quyết liệt triển khai; và kiến nghị một số giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi, bổ sung các quy định về việc sửa đổi hợp đồng tại Điều 70 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023 nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế về hợp đồng xây dựng, đề xuất với Chính phủ hoàn thiện các quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

2. Kiến nghị số 89b: “Đề nghị Chính phủ xem xét quy định ủy quyền hoặc phân cấp cho cơ quan chuyên môn về xây dựng (các Sở chuyên ngành) tại các địa phương được tổ chức thẩm định đối với các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật (di chuyển đường điện, đường nước sạch, xây dựng hạ tầng khu tái định cư...) phục vụ công tác bồi thường GPMB đối với các dự án mà theo quy định hiện nay thuộc thẩm quyền thẩm định của các cơ quan chuyên môn trực thuộc các Bộ chuyên ngành (Điều 13, Điều 36, Điều 109, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 (được sửa đổi tại Điều 12, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023), để thủ tục được nhanh chóng hơn, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư. Ví dụ như Sở Công Thương thẩm định hạng mục di chuyển công trình đường điện, Sở Xây dựng thẩm định hạ tầng khu tái định cư thuộc dự án công trình giao thông nhóm A mà công trình chính do Bộ GTVT thẩm định.”

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xin trả lời vấn đề này như sau:

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc thẩm định dự án, thiết kế xây dựng. Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc để nghiên cứu, đề xuất về nội dung phân cấp tại sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4243/BXD-KTXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)