Về cơ sở pháp lý và sự phù hợp với các quy định pháp luật: Căn cứ Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 (sau đây gọi tắt là QH-1676), xác định đô thị Ngọc Chiến là một trong các đô thị loại V (giai đoạn 2021-2030) của huyện Mường La; cũng như xác định khu vực Ngọc Chiến là khu du lịch cấp tỉnh; do đó, việc UBND tỉnh Sơn La tổ chức lập Quy hoạch chung đô thị mới Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đến năm 2045 là có cơ sở.
Đề nghị UBND tỉnh Sơn La rà soát trình tự lập QHC Ngọc Chiến đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và các quy định hiện hành có liên quan; chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, tiếp thu giải trình đầy đủ các nội dung góp ý: các Sở, ngành có liên quan và các ý kiến cộng đồng dân cư. Chịu trách nhiệm rà soát, đảm bảo các số liệu đo đạc liên quan đến đất lúa, đất rừng, an ninh quốc phòng và đất dân cư hiện trạng; khi thực hiện các quy hoạch, dự án nằm trong các khu vực trên phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về: Lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, đất đai, nhà ở, xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật khác có liên quan; khi thực hiện lập quy hoạch phải đảm bảo không gây thất thoát lãng phí, tính toán đảm bảo về hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ cảnh quan môi trường và đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, phát triển hài hòa, giữ gìn cảnh quan môi trường, đáp ứng về an ninh - quốc phòng.
Về hồ sơ của QHC Ngọc Chiến, đề nghị UBND tỉnh Sơn La rà soát nội dung thuyết minh, bản vẽ quy hoạch trên đảm bảo tuân thủ theo các quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
Đối với nội dung QHC Ngọc Chiến cần được bổ sung và làm rõ như sau:
Về lý do và sự cần thiết lập quy hoạch: Đề có cơ sở lập quy hoạch trên đề nghị bổ sung, làm rõ các căn cứ pháp lý trên cơ sở các mục tiêu, định hướng phát triển tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch tỉnh Sơn La liên quan đến hình thành đô thị Ngọc Chiến; đặc biệt là các động lực, tiền đề và nguồn lực phát triển đô thị trong giai đoạn 2026 -2030.
- Đối với phần đánh giá hiện trạng:
+ Bổ sung đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường La và xã Ngọc Chiến (làm rõ các loại hình và cơ cấu kinh tế, tỷ trọng các ngành; các vấn đề liên quan đến nguồn lực đầu tư phát triển đô thị của huyện và của xã Ngọc Chiến); làm rõ cơ sở đánh giá, xác định nguồn gốc 719 ha đất chưa sử dụng. Nội dung phân tích đánh giá các giá trị cảnh quan, văn hóa - dịch vụ du lịch còn sơ sài; vì vậy cần bổ sung, làm rõ các yếu tố đặc thù, nổi trội như: bản sắc văn hóa các dân tộc, xác định các khu vực có giá trị cảnh quan (ruộng bậc thang, khu làng bản, hồ thủy điện, rừng Sơn Tra...); thực trạng các tuyến, điểm du lịch và chất lượng các cơ sở dịch vụ du lịch.
+ Bổ sung đánh giá các điều kiện tự nhiên của suối Chiến, hồ thủy điện Nậm Chiến (vùng lưu vực, trữ lượng, tần xuất dòng chảy...) lồng ghép với đánh giá hệ thống thủy lợi; đánh giá chất lượng và nguồn cấp nước.
+ Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy hoạch, dự án theo quy hoạch chung xây dựng nông thôn xã Ngọc Chiến đã được phê duyệt; xem xét các nội dung đã thực hiện được và chưa thực hiện được; so sánh, đánh giá thực trạng phát triển xã Ngọc Chiến theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị (hướng tới đô thị loại V); đồng thời cần phân tích, làm rõ các tiêu chuẩn còn yếu và chưa đạt để có cơ sở đầu tư, hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại V.
- Tiền đề phát triển đô thị: thiếu sự phân tích động lực, luận cứ cơ sở hình thành đô thị Ngọc Chiến (tiềm năng phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, cơ sở nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị từng giai đoạn ...). Việc dự báo tỷ lệ tăng dân số của đô thị khoảng 2,85% là cao, thiếu cơ sở khoa học (cơ sở nào dự báo lượng khách du lịch đến Ngọc Chiến khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm; không dự báo theo kỳ vọng; dự báo lượng khách du lịch, đảm bảo phù hợp với các dự báo của Quy hoạch tổng thể hệ thống du lịch, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Quy hoạch tỉnh Sơn La), đối với phương án tăng dân số cơ học, mở rộng đất đô thị sẽ gây áp lực về hạ tầng và phá vỡ bản sắc văn hóa; vì vậy nội dung dự báo quy mô dân số cần xem xét lại.
Với các yếu tố đặc thù của xã Ngọc Chiến (khu vực miền núi, gắn với bản sắc văn hóa, mật độ dân số không cao, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, các chỉ tiêu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật còn yếu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế..) được định hướng là khu du lịch cấp tỉnh; do đó việc tiếp cận toàn bộ xã Ngọc Chiến theo mô hình đô thị (giai đoạn 2026-2030) cần được xem xét, cân nhắc để phù hợp điều kiện tự nhiên và nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, giữ dìn bản sắc, cảnh quan thiên nhiên.
- Định hướng phát triển không gian: các phân vùng cơ bản phù hợp với điều kiện phát triển của xã Ngọc Chiến. Đối với phân vùng phát triển đô thị - du lịch, các khu dân cư mới (theo mô hình đô thị) đề nghị bổ sung luận cứ cơ sở hình thành, tiền đề phát triển các trung tâm đô thị gắn với dịch vụ du lịch. Khi nghiên cứu quy hoạch cần hạn chế phát triển các khu dân cư mới 2 bên tuyến đường tỉnh 109, đặc biệt hạn chế chuyển đổi đất lúa và các quỹ đất hai bên suối Chiến (khu vực phía Tây bản Lướt và Tây bản Phầy) để xây dựng phát triển đô thị. Việc mở rộng không gian đô thị gắn với du lịch hỗn hợp có ở tại khu vực bản Nà Tấu là không phù hợp (quy mô lớn, địa hình dốc, phá vỡ cảnh quan tự nhiên). Đối với các phân khu phải xác định rõ ranh giới, các nguyên tắc phát triển, các chỉ tiêu (dân số, đất đai), các tính chất đặc trưng, định hướng kiểm soát.
- Về quy hoạch sử dụng đất: bảng cân bằng sử dụng đất phải tổng hợp thống kế trên toàn bộ diện tích của xã, bổ sung so sánh số liệu hiện trạng và các giai đoạn dự báo (làm cơ tính toán, so sánh các chỉ tiêu có liên quan); rà soát lại quy mô đất xây dựng (tăng từ khoảng 323 ha lên khoảng 1.121 ha), làm rõ cơ sở nhu cầu sử dụng đất, đảm bảo tiết kiệm hiệu quả; hạn chế sử dụng đất lúa, không quy hoạch đất xây dựng vào các khu vực (rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; hành lang thoát lũ suối Chiến, vùng hồ thủy điện Nậm Chiến; các khu vực có địa hình dốc >40%); xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đối với từng khu vực, bám sát các tiêu chuẩn theo quy định tại Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN:01/2021/BXD; đặc biệt không hợp thức sử dụng đất đối với các khu dân cư xây dựng sai quy hoạch, các khu vực lấn chiếm đất trồng lúa hai bên tuyến đường tỉnh 109 (đoạn từ Bản Lướt đến khu trung tâm xã). Đối với các khu vực trên bản Nậm Nghiệp đề nghị không phát triển đất xây dựng vào các vực đất rừng phòng hộ và rừng tự nhiên, khu vực có địa hình dốc lớn >40%; hạn chế đào đắp, gây sạt sở lở đất.
- Phần thiết kế đô thị: Đề nghị rà soát, thực hiện theo quy định tại Thông tư 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị. Bổ sung khoanh vùng các khu vực đặc trưng (vùng làng bản, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng có giá trị cảnh quan...); đối với các vùng cần có nguyên tắc kiểm soát kiến trúc cảnh quan (tầng cao, mật độ xây dựng, giải pháp kiến trúc); lưu ý bản sắc kiến trúc, văn hóa vùng đồng bào dân tộc (Mông, Mường...).
- Đối với định hướng hạ tầng kỹ thuật: rà soát, tuân thủ định hướng các quy hoạch cấp trên được duyệt (quy hoạch tỉnh Sơn La; quy hoạch xây dựng vùng huyện Mường La và các quy hoạch khác có liên quan). Nội dung các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật thể hiện còn sơ sài, chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 37 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các quy định có liên quan. Đối với quy hoạch giao thông cần xác định rõ vị trí các nút giao thông quan trọng; bổ sung tính toán, quy mô các bến, bãi đỗ xe tập trung (khu trung tâm xã, các khu trung tâm dịch vụ du lịch, các khu vực làng bản có khai thác du lịch); làm rõ các tuyến giao thông công cộng kết nối. Quy hoạch san nền thoát nước cần làm rõ các lưu vực sông, suối; thiếu quy hoạch mạng lưới, giải pháp thoát nước cục bộ từng khu vực; do các khu vực xây dựng làng bản nằm chủ yếu ven suối, khu vực có địa hình dốc, vì vậy khi xây dựng phải có giải pháp phòng chống sạt lỡ đất, lũ quét; hạn chế đào đắp, san lấp, tác động lưu vực suối, các tuyến thoát nước chính. Bổ sung giải pháp, vị trí thu gom, khu xử lý rác đảm bảo phù hợp với điều kiện của đô thị; lưu ý giải pháp xử lý môi trường cảnh quan lưu vực suối Chiến. Về cấp nước cần xác định rõ tên vị trí các nguồn nước được sử dụng...
- Về giải pháp bảo vệ môi trường: Nội dụng đánh giá và các giải pháp bảo vệ môi trường viết còn chung chung, thiếu nội dụng cụ thể liên quan đến Đồ án quy hoạch.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan tiếp thu các ý kiến nêu trên, bổ sung, hoàn thiện, thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2143/BXD-QHKT.