1. Về căn cứ pháp lý và sự phù hợp với các quy định pháp luật
Căn cứ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đã định hướng phát triển khu du lịch Du Già, huyện Yên Minh là khu du lịch cấp tỉnh. Do đó, việc lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Du Già tại xã Du Già là có sơ sở.
Tuy nhiên, thời hạn quy hoạch tới năm 2040 là không phù hợp với đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 Luật Xây dựng năm 2014 (từ 20 đến 25 năm). Đề nghị bổ sung việc lấy ý kiến cộng đồng, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định Luật Xây dựng.
Về phạm vi quy mô Khu Du lịch xã Du Già: do Quy hoạch tỉnh không xác định quy mô, diện tích, vì vậy đề nghị UBND tỉnh Hà Giang bổ sung làm rõ các tiền đề, động lực, cơ sở hình thành và phát triển, tính khả thi thực hiện đối với đề xuất Khu Du lịch Du Già có quy mô toàn bộ địa giới hành chính Xã Du Già (khoảng 6923,67 ha); rà soát đảm bảo phù hợp với quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia, tuân thủ các điều kiện, nguyên tắc khu du lịch cấp tỉnh theo quy định tại Luật Du lịch năm 2017.
Về việc giảm tỷ lệ đất nông nghiệp từ 68,74% xuống 29,06% (giai đoạn 2022- 2030) và 28,59% (giai đoạn 2030- 2040): Đề nghị bổ sung đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển bền vững của quốc gia gắn với bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 46 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030, xã Du Già thuộc vùng II khu Bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học và có một khu vực thuộc khoanh định 139 Di sản địa chất, thuộc Vùng I khu Bảo tồn Di sản địa chất theo hồ sơ đã được UNESCO công nhận. Theo đó, việc bố trí tập trung quỹ đất du lịch thương mại trong khu vực thuộc khoanh định 139 Di sản địa chất cần được luận cứ, làm rõ cơ sở pháp lý và việc tuân thủ khung quy định quản lý tại Quy hoạch chung xây dựng cao nguyên đá Đồng Văn. Việc đưa vào phạm vi lập quy hoạch một phần Vườn quốc gia Du Già (đã được xác định ranh giới tại Quyết định số 1377/QĐ-TTg ngày 18/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thành lập Vườn quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Khu Du lịch Du Già thuộc công viên địa chất Toàn cầu UNESCO - Cao nguyên đá Đồng Văn. Do vậy, nguyên tắc, mục tiêu quy hoạch Khu du lịch phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch, trong đó các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc, chú trọng bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 21 /12 / 2017.
2. Về sự phù hợp quy chuẩn: đề nghị bổ sung, luận cứ làm rõ các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tính toán áp dụng cho Khu Du lịch xã Du Già; đảm bảo phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD đối với khu chức năng, nông thôn và các quy định liên quan.
3. Về nội dung của đồ án
Bổ sung và đánh giá rõ việc thực hiện quy hoạch xây dựng chung xã Du Già đã được phê duyệt và các quy hoạch khác liên quan như Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Quy hoạch xây dựng vùng huyện và các chương trình dự án đã và đang được triển khai, thực hiện. Xác định rõ những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt.
Hiện trạng giao thông kết nối với thành phố Hà Giang qua quốc lộ 34 và tỉnh lộ 176 chưa đủ thuận lợi để phát triển du lịch; đề nghị phân tích làm rõ các lợi thế về liên kết vùng và thị trường để phát triển du lịch tại khu vực xã Du Già.
Về dự báo phát triển: Cần rà soát các dự báo đảm bảo tính chính xác phù hợp về dân số, đất xây dựng, phát triển du lịch, cơ sở lưu trú, đảm bảo khả thi, không phát triển quá tải về hạ tầng và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, cảnh quan. Bổ sung tính toán xác định sức chứa (ngưỡng chịu tải) đối với khu du lịch; luận cứ cơ sở khoa học dự báo quy mô khách du lịch theo các giai đoạn.
Làm rõ các cơ sở dự báo về dân số (theo Thuyết minh đồ án dân số hiện trạng năm 2022 là 8.908 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,63%, tỷ lệ tăng dân số cơ học khoảng 0,26% tuy nhiên dự báo đến năm 2030 là 11.800 người và đến năm 2040 là 16.500 người chưa chính xác).
Hiện trạng dân số lao động khoảng 5.256 lao động (chiếm 59% dân số khu vực) chủ yếu hoạt động trong khu vực kinh tế nông nghiệp (tỷ lệ đất nông nghiệp chiếm 68,74%), tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp khoảng 30%, đồ án cần được đánh giá các thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ.
Bổ sung việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai theo quy định pháp luật: xác định, khoanh vùng rõ các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai (sạt lở đất, lũ quét, mưa đá, lốc xoáy, mưa tuyết, ngập úng,…), các lưu vực thoát nước chính ảnh hưởng tới các khu vực dự kiến xây dựng; bổ sung giải pháp phòng chống thiên tai trong nội dung hồ sơ, để đảm bảo tần suất lũ, đảm bảo tưới tiêu và phòng chống lũ theo quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023. Bổ sung nội dung “bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai” đối với việc xây dựng các công trình trong quy hoạch (khu dân cư, khu công cộng, dịch vụ,…) theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.
Bổ sung nội dung phương án, giải pháp cấp nước phòng cháy chữa cháy trong đồ án quy hoạch đảm bảo các quy định Luật Phòng cháy và chữa cháy và các quy định pháp luật liên quan.
4. Về định hướng hạ tầng kỹ thuật: đề nghị rà soát, bổ sung các nội dung (nguồn, vị trí, quy mô các công trình hạ tầng) theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 12 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.
5. Rà soát, hoàn thiện thành phần hồ sơ và các bản vẽ theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
6. UBND tỉnh Hà Giang chịu trách nhiệm về tính chính xác và cơ sở pháp lý của các số liệu của đồ án quy hoạch; rà soát các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; không hợp thức các sai phạm (nếu có), tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; không để thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1049/BXD-QHKT.