Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến hết năm 2023 trên cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 72 dự án với quy mô 38.128 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 129 dự án với quy mô 114.934 căn.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng, nhiều địa phương tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...Bên cạnh đó, một số địa phương mặc dù nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua; đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện Đề án.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số kết quả đạt được trong phát triển nhà ở xã hội, thực hiện xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, cụ thể: nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được triển khai và hoàn thành, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động an cư lạc nghiệp; gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng tuy còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, song bước đầu đã đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được tăng cường; phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh. Nhiều địa phương quan tâm, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Để phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, sáng tạo để thực hiện các công việc thật tốt, chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội theo đúng nghĩa.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp; Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
Về phía các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù từng nơi; tập trung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công. Đối với các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội; sau khi khởi công dự án cần nhanh chóng cung cấp các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết, đăng ký mua, thuê mua, thuê.
Ngay sau hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến; sớm trình ban hành Kết luận của Thủ tướng Chính phủ với thông điệp, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thật tốt chính sách phát triển nhà ở xã hội; đồng hành, hỗ trợ thực chất, hiệu quả đối với doanh nghiệp, người có thu nhập thấp, công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.