Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 542/TTg-QHĐP ngày 14/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương. Trong đó, có kiến nghị của tỉnh Hòa Bình với nội dung:
Đối với đô thị: Việc lập quy hoạch gặp nhiều khó khăn về nguồn lực thực hiện lập quy hoạch, phần lớn kinh phí lập các quy hoạch phân khu được sử dụng từ nguồn tài trợ tập trung tại các khu vực có lợi thế về thu hút đầu tư. Các quy hoạch phân khu chưa được phủ kín được cho toàn bộ khu vực đô thị dẫn đến các dự án có quy mô dưới 5 ha (không phải lập quy hoạch chi tiết) thiếu cơ sở chấp thuận tổng mặt bằng các dự án khó triển khai đầu tư xây dựng.
Đối với các khu chức năng: Các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí, công nghiệp, dịch vụ…nằm trong quy hoạch khu chức năng, được xác định trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện, tuy nhiên các quy hoạch trên chưa được phê duyệt dẫn đến việc lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng chưa được triển khai do thiếu nguồn lực và thiếu cơ sở để thực hiện.
Việc lập quy hoạch chi tiết phải đảm bảo phù hợp với chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, để phê duyệt chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện các quy hoạch sơ bộ chưa được các ngành thẩm duyệt đảm bảo quy chuẩn về quy hoạch, chưa được xin ý kiến công đồng dân cư, công tác chuyển đổi đất rừng chưa được nghiên cứu cụ thể, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ khi triển khai quy hoạch không thực hiện được đảm bảo với chủ trương đầu tư.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 2938/BXD-QHKT trả lời như sau:
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên của tỉnh Hòa Bình chủ yếu là do nguồn lực để thực hiện lập các quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch xây dựng phân khu chức năng; đồng thời việc chậm phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện gây ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, chậm triển khai các dự án.
Các quy định của Luật quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định hiện hành khác có liên quan đã quy định rõ trách nhiệm tổ chức lập các Quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng làm cơ sở: chấp thuận chủ trương đầu tư, xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết. Do đó, UBND tỉnh Hòa Bình cần rà soát các khu vực cần lập quy hoạch phân khu phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương; chủ động bố trí nguồn kinh phí lập các quy hoạch phân khu sau khi quy hoạch cấp trên được duyệt.
Đồng thời, căn cứ Luật quy hoạch năm 2017, UBND tỉnh cần đẩy nhanh hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như các quy hoạch vùng huyện làm cơ sở xác định các khu vực phát triển đô thị, các khu chức năng và hệ thống hạ tầng khung. Khi tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch (thuộc trách nhiệm của tỉnh) tỉnh Hòa Bình tuân thủ trình tự, đồng bộ các cấp độ quy hoạch đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2938/BXD-QHKT.