Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 542/TTg-QHĐP ngày 14/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương. Trong đó, có kiến nghị của tỉnh Bắc Giang, với các nội dung sau:
Câu 23: “Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, quy định: “4. Đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết. Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu; đảm bảo sự đấu nối hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với không gian kiến trúc với khu vực xung quanh”. Thực tế cho thấy nhiều dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ hơn 5ha (như các công trình xây dựng nhà để xe, nhà bảo vệ trong trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện; các dự án quy mô nhỏ của doanh nghiệp đầu tư xây dựng...) tại khu vực không có quy hoạch phân khu thì phải lập quy hoạch chi tiết trước khi lập dự án gây khó khăn khi thực hiện, trong khi việc quản lý xây dựng của cơ quan quản lý Nhà nước các dự án này đã được thực hiện thông qua công tác thẩm định dự án và cấp giấy phép xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi quy định trên theo hướng các dự án quy mô nhỏ hơn 05ha (nhỏ hơn 02ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, chỉ cần lập quy hoạch tổng mặt bằng (áp dụng cả trong trường hợp đã có hoặc chưa có quy hoạch phân khu)”.
Câu 33: “Sau khi Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022. Hiện nay, tại các huyện, thành phố, do khối lượng công việc lớn, trình tự, thủ tục nhiều dẫn đến thời gian triển khai điều chỉnh, cập nhật các quy hoạch chung xây dựng kéo dài, ảnh hưởng việc triển khai các bước tiếp theo. Trong khi đó, pháp luật về xây dựng và quy hoạch đô thị không cho lập đồng thời các quy hoạch làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn. Đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng có hướng dẫn, cho phép địa phương thực hiện lập song song đồng thời các cấp độ quy hoạch phân khu, quy hoạch khu chức năng để đảm bảo tiến độ triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
Về các vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xin được trả lời như sau:
Trả lời nội dung Câu 23:
Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14, đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị, khu chức năng và lập quy hoạch chi tiết (khoản 4 Điều 29 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; điểm d khoản 2 Điều 27 Luật Xây dựng năm 2014). Quy hoạch chi tiết cụ thể hoá nội dung của quy hoạch phân khu (khoản 9 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009); Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt (khoản 3 Điều 23 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009).
Tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010, khoản 5 Điều 10 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng; Bản vẽ tổng mặt bằng trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu, đảm bảo việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với không gian kiến trúc khu vực.
Trước khi Luật số 35/2018/QH14 có hiệu lực thi hành thì Giấy phép quy hoạch là văn bản làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án khi chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt. Tuy nhiên quy định này đã được bãi bỏ tại Luật số 35/2018/QH14. Do đó, quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu để kiểm soát đảm bảo yêu cầu đồng bộ về hạ tầng, phù hợp với không gian kiến trúc khu vực.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang căn cứ pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để chỉ đạo tổ chức lập các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ các cấp độ quy hoạch, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, khu chức năng theo quy định.
Trả lời nội dung Câu 33:
Pháp luật hiện hành về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng không quy định việc thực hiện lập song song đồng thời các cấp độ quy hoạch phân khu, quy hoạch khu chức năng. Theo quy định, quy hoạch phân khu phải đảm bảo phù hợp, cụ thể hóa quy hoạch chung đã được phê duyệt; quy hoạch chi tiết phải phù hợp, cụ thể hóa quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Việc lập quy hoạch song song đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quy hoạch cấp trên được phê duyệt, thực hiện theo đúng trình tự, nội dung quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2932/BXD-QHKT.