Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi đến qua văn bản số 2081/BDN ngày 30/12/2022 của Ban Dân nguyện với nội dung kiến nghị: “Cử tri cho rằng thủ tục về phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài; mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Đề nghị Bộ nghiên cứu có giải pháp để khắc phục’’.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 779/BXD-QLN trả lời như sau:
Trong nhiều năm vừa qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đến nay đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
Mặc dù việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã đạt được một số kết quả quan trọng như đã nêu trên. Tuy nhiên với kết quả hoàn thành 7.950.000 m2 sàn nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 64% so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020 , trong khi nhu cầu nhà ở của đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp hiện nay là rất lớn. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, và thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài như kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh.
Một số giải pháp của Bộ Xây dựng: Để giải quyết các vướng mắc, tồn tại nêu trên, hiện nay Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến: quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội ... nhằm thúc đẩy hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, trung bình có cơ hội sở hữu nhà ở. Theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 28/TTr-BXD ngày 31/8/2022 và Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tại Đề án, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp cụ thể, đồng bộ với mục tiêu hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 779/BXD-QLN.