Ngày 3/3/2023, tại Hải Phòng, Bộ Xây dựng và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp tổ chức Hội thảo về xử lý, tiêu thụ bã thải Gyps tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP - Vinachem, Khu công nghiệp Đình Vũ.
Toàn cảnh hội thảo
Vấn đề xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón để đảm bảo phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Hiện cả nước có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than, 03 nhà máy sản xuất phân bón DAP đang hoạt động. Lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước bình quân khoảng 16 triệu tấn; lượng bã thải Gyps khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm.
Đánh giá được tầm quan trọng của việc tái sử dụng các loại phế thải công nghiệp này, ngày 23/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Gần đây nhất, ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật giúp đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, bao gồm 19 tiêu chuẩn, 01 quy chuẩn và 7 chỉ dẫn kỹ thuật, 3 định mức kinh tế kỹ thuật.
Theo báo cáo tại hội thảo, hiện nay, lượng tro, xỉ nhiệt điện đã được xử lý, tiêu thụ đáng kể. Tính đến cuối năm 2022, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 65,08 triệu tấn, chiếm khoảng 55,8% tổng lượng phát thải từ trước tới nay.
Trong khi đó, lượng xử lý và tiêu thụ bã thải Gyps còn chậm, chỉ có nhà máy DAP số 1 (Đình Vũ, Hải Phòng) có dây chuyền xử lý bã thải thạch cao thành thạch cao PG do Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ đầu tư với công suất thiết kế 750.000 tấn thạch cao PG/năm. Lượng tồn trữ bã thải thạch cao đến cuối năm 2022 còn nhiều (nhà máy DAP Đình Vũ tại Hải Phòng tồn trữ 4,45 triệu tấn; nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai tồn trữ 2,6 triệu tấn; nhà máy DAP Đức Giang - Lào Cai tồn trữ khoảng 6 triệu tấn). Do đó, đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ bã thải Gyps đang là nhiệm vụ cấp thiết.
Tại Hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học và các chuyên gia đã cùng thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến xử lý bã thải Gyps, công nghệ xử lý bã thải Gyps thành thạch cao PG; ưu nhược điểm của việc sử dụng thạch cao PG trong sản xuất vật liệu xây dựng, từ đó tiếp tục nghiên cứu, xử lý bã thải Gyps thành các sản phẩm phục vụ cho những ứng dụng khác trong sản xuất vật liệu xây dựng và làm vật liệu xây dựng.