Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội gửi tới trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung kiến nghị “Kiến nghị khi nghiên cứu trình sửa đổi Luật Thủ đô cần quan tâm đến thu hút, phát triển thanh niên, thế hệ trẻ. Trong đó, …. Đề nghị tăng thẩm quyền, phân cấp cho Thành phố trong quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị.”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 3013/BXD-PC ngày 05/8/2022 trả lời như sau:
Thời gian qua, thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền của Đảng, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, đặc biệt có những quy định riêng về phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hà Nội (ví dụ: phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở… tại Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng…).
Đối với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thủ đô năm 2012 và cũng là cơ quan đang thực hiện lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thành phố trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng, đặc biệt, trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3013/BXD-PC.