Với việc phát triển hơn 49,67 triệu mét vuông nhà ở trong giai đoạn 2012-2020, đưa tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 224,73 triệu mét vuông, diện tích bình quân đạt 27,25m2/người, thành phố đã vượt mục tiêu chương trình đề ra (khoảng 26,3m2/người). Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở tại Hà Nội chưa đồng đều giữa các phân khúc, thiếu hụt nhà ở xã hội. Vì thế, trong thời gian tới thành phố tập trung phát triển loại hình nhà ở này.
Dự án nhà ở xã hội tại quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh PHẠM HÙNG)
Thông tin về kết quả Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở và góp phần cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở tại Hà Nội chưa đồng đều giữa các phân khúc.
Diện tích sàn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên, nhà ở tái định cư hoàn thành đạt tỷ lệ thấp so với tổng diện tích sàn nhà ở đã hoàn thành. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, đối tượng chính sách thiếu hụt khoảng 3,4 triệu mét vuông; nhà ở cho công nhân thiếu hụt khoảng 567 nghìn mét vuông; nhà ở tái định cư thiếu hụt khoảng 828 nghìn mét vuông...
Nhằm phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã mở rộng hình thức đầu tư, huy động nguồn lực xã hội. Cụ thể, thành phố đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu mét vuông sàn. Ngoài ra, thành phố đang triển khai năm khu nhà ở xã hội tập trung, hiện đại với quy mô khoảng 280ha, hạ tầng đồng bộ tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín và Gia Lâm, khoảng 2,3 triệu mét vuông sàn, tương đương 38.000 căn hộ.
Mới đây, thành phố Hà Nội ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua. Thành phố Hà Nội xác định, tổng nhu cầu sàn nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn thành phố là khoảng 6,8 triệu mét vuông sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng.
Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh đầu tư các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội; đồng thời rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu nhà ở để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Đặc biệt, thành phố tạo điều kiện thuận lợi huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới.
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 1/8, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội.
Cụ thể, Chính phủ, Bộ Xây dựng cho phép thành phố được sử dụng các quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 làm căn cứ xác định thông tin quy hoạch kiến trúc để lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án, hồ sơ đấu thầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ có trách nhiệm tổ chức lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án theo quy định hiện nay.
Chính phủ ủy quyền cho thành phố Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn; đồng thời giao quyền cho Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê như nhà lưu trú, nhà tạm trú theo quy định. Cùng với đó, thành phố kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu quy định chuyển tiếp về nghĩa vụ và quỹ đất hỗ trợ với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã có quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết được duyệt, bảo đảm không gián đoạn quá trình triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án.