Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 92/BDN ngày 06/4/2021 với nội dung kiến nghị như sau:
Câu số 13: Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định các bước đầu tư tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị, khu nhà ở,...Tuy nhiên, khi triển khai còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như:
1. Trình tự thủ tục chưa cụ thể, chưa thật sự phù hợp nhu cầu thực tiễn (do các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, quan điểm, định hướng quản lý phát triển đô thị của địa phương) gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai; còn vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng trong lĩnh vực lựa chọn nhà đầu tư, thẩm quyền quy định về chủ trương đầu tư (kể cả các căn cứ pháp lý để xây dựng văn bản trên hiện nay không còn phù hợp).
Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Luật Đầu tư năm 2020 (Luật số 61/2020/QH14) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) đã có quy định thống nhất về thủ tục đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị. Khoản 2 Điều 111 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã bãi bỏ thủ tục chấp thuận đầu tư tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Do đó, đề nghị địa phương nghiên cứu áp dụng thực hiện trình tự thủ tục đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo các quy định pháp luật nêu trên và các quy định có liên quan khác.
2. Về thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị: Các khu vực phát triển đô thị được đề xuất trong chương trình phát triển đô thị đa phần thực hiện thông qua nguồn vốn xã hội hóa (do nhà nước chưa đủ nguồn lực để tổ chức, triển khai và chủ trương chung là tinh giản bộ máy biên chế). Do đó, việc thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ sẽ khó khả thi.
Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của tỉnh Bình Dương để xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng Nghị định.
3. Việc quy định bản vẽ ranh giới khu vực phát triển đô thị và phân đợt đầu tư chưa cụ thể và nội dung quy định việc cắm mốc giới trong khi chưa thực hiện các thủ tục về đất đai sẽ ảnh hưởng đến hạn chế quyền sử dụng đất của người dân. Do vậy, cần có hướng dẫn chi tiết về phương pháp thực hiện bản vẽ mốc giới xác định giới hạn, phạm vi khu vực phát triển đô thị có tọa độ kèm theo, việc quản lý mốc giới,...
Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của tỉnh Bình Dương để xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng Nghị định.
4. Một số khó khăn khi thực hiện dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, cụ thể như sau: chưa quy định cụ thể về quy mô của khu đô thị, khu đô thị mới; chưa có nội dung quy định hoặc làm rõ một số nội dung trách nhiệm của các bên liên quan trong việc kết nối hạ tầng khu vực, tiến độ triển khai, nguồn vốn đầu tư, thời gian đầu tư.
Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã quy định về quy mô dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (mục VII Phụ lục IX). Hiện nay, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP đã có một số quy định liên quan tới trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài ranh giới dự án đảm bảo liên kết đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị (khoản 5 Điều 46) và nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 trong việc đầu tư xây dựng khu đô thị (Điều 17). Đối với những ý kiến khác của tỉnh Bình Dương, Bộ Xây dựng xin ghi nhận trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
5. Hiện nay Thông tư 12/2017/TT-BXD ngày 30/11/2017 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị không có định mức quy định về chi phí lập và thẩm định hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị và phí thẩm định chấp thuận đầu tư để có cơ sở triển khai thực hiện. Tất cả các khó khăn, vướng mắc trên ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, thúc đẩy công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị...
Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 12/2017/TT-BXD ngày 30/11/2017 của Bộ Xây dựng đã quy định chi phí lập và chi phí của hội đồng thẩm định hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị, theo đó, chi phí cho công việc này được xác định bằng dự toán theo hướng dẫn tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu hướng dẫn chi tiết nội dung này trong quá trình điều chỉnh, bổ sung Thông tư số 12/2017/TT-BXD.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1635/BXD-PTĐT.