Ngày 25/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon, với sự tham dự của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học các tổ chức trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính đối với ngành Xây dựng nói chung, lĩnh vực sản xuất xi măng nói riêng trong bối cảnh Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050; đồng thời cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Xây dựng đã tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các giải pháp đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất xi măng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Hoàng Hữu Tân cho biết, định hướng phát triển ngành xi măng Việt Nam trong thời gian tới là sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; gắn sản xuất với tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Đến năm 2025, các nhà máy xi măng hiện có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clanke/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn, phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đầu tư trạm nghiền xi măng có công suất phù hợp ở những khu vực không thuận lợi về nguyên liệu để sản xuất clanhke xi măng. Tỷ lệ sử dụng clanhke trong sản xuất xi măng trung bình toàn ngành tối đa ở mức 65%; phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%. Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm; đến năm 2030 không vượt quá 150 triệu tấn/năm.
Tham dự hội thảo, đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) chia sẻ những kinh nghiệm của đơn vị trong việc giảm phát thải khí nhà kính thời gian qua. Theo đó, tại VICEM, công cụ đo đạc báo cáo thẩm định MRV, phát thải trung bình cho sản xuất clinker trong vài năm gần đây ở mức 872 (827÷905) kg CO2/tấn clinker. Đối với xi măng, năm 2023 khoảng 617 (455÷792) kg CO2/tấn xi măng (PCB40 dân dụng) và 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 610 (445÷786) kg CO2/tấn xi măng, đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam.
Để đạt được những kết quả trên, VICEM đã chú trọng đặc biệt đến công tác quản lý và kiểm soát mức phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng hiệu quả nguyên liệu hóa thạch; tăng cường sử dụng nguyên liệu thay thế; chú trọng giảm tỷ lệ Clinker trong sản xuất xi măng. Đây là giải pháp cốt lõi để giảm cường độ phát thải khí nhà kính theo tấn xi măng; tập trung nâng cao chất lượng clinker bằng cách tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải tiến công nghệ. Qua đó, giảm được nhu cầu sử dụng clinker, góp phần giảm phát thải CO2 cho quá trình sản xuất xi măng, thúc đẩy phát triển bền vững và sản xuất Xanh. VICEM đã nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm xi măng mới với tỷ lệ sử dụng clinker thấp (khoảng 50%) như MC25 và C91. Bên cạnh đó, VICEM luôn tận dụng nhiệt thừa để phát điện.
Kết luận hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, TS. Phan Hữu Duy Quốc - Uỷ viên Hội đồng khoa học Tạp chí xây dựng cảm ơn các nhà quản lý, chuyên gia, đại biểu khách mời đã tham dự hội thảo và chia sẻ nhiều thông tin bổ ích, giải pháp cụ thể. Trong thời gian tới, Tạp chí Xây dựng cũng như ngành sản xuất xi măng Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ của các chuyên gia, đại biểu nhằm giúp khơi tạo hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững, giảm dấu chân carbon, góp phần cùng cả nước hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.