Luận chứng giải pháp bổ sung, tăng cường để thay thế một số yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD đối với công trình “Trụ sở văn phòng làm việc kết hợp kinh doanh”

Thứ năm, 04/01/2024 17:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 04/01/2024, Bộ Xây dựng đã có công văn 58/BXD-KHCN gửi Công ty Cổ phần xây dựng giao thông đô thị Hà Nội về việc cho ý kiến đối với luận chứng giải pháp bổ sung, tăng cường để thay thế một số yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD đối với công trình “Trụ sở văn phòng làm việc kết hợp kinh doanh” tại số 2 Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội với các nội dung:

Công trình Trụ sở văn phòng làm việc kết hợp kinh doanh nêu trên được xây dựng tại khu đất có diện tích khoảng 282 m2 với chiều cao PCCC là 20,6 m; quy mô công trình gồm (07 tầng nổi, 01 tầng tum). Đây là công trình được chuyển đổi công năng từ công trình khách sạn, với công năng được bố trí và sử dụng như sau: Tầng 1 diện tích sàn 226 m2 bố trí khu vực sảnh đón tiếp, có 03 người túc trực thường xuyên (02 lễ tân và 01 người phục vụ); tầng 02 đến tầng 07 bố trí văn phòng làm việc, với công năng sử dụng cho 15 nhân viên/1 sàn; tầng tum có diện tích 80 m2/285 m2 diện tích sàn mái (tầng tum bố trí các thiết bị kỹ thuật chính của công trình, không có người làm việc thường xuyên); Sàn mái chỉ bố trí bể nước và mái tôn chống nóng, không bố trí mục đích sử dụng. Công trình bố trí 02 thang máy và 01 thang bộ thoát nạn.

Về vấn đề này, căn cứ các quy định tại QCVN 06:2022/BXD và các văn bản có liên quan, sau khi xem xét các nội dung trình bày tại công văn nêu trên, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về khoảng cách PCCC

Luận chứng đã trình bày giải pháp tăng cường an toàn PCCC: đã trang bị đầu phun chữa cháy Sprinkler tự động tại vị trí các ô cửa sổ, đảm bảo các đầu phun được đặt cách nhau không quá 2 m (cách mặt trong của tường ngoài 0,5 m) nhằm tăng cường khả năng chữa cháy trong trường hợp điểm xuất phát cháy từ các gian phòng và đảm bảo làm mát, ngăn cháy lan đối với các công trình lân cận. Như vậy, giải pháp nêu trong luận chứng là phù hợp với nguyên tắc chống cháy lan (điểm 4.34, QCVN 06:2022/BXD).

2. Về cửa mở vào buồng thang

Đối với nội dung cửa mở vào buồng thang, chủ đầu tư đã trình bày luận chứng kỹ thuật bổ sung giải pháp tăng cường chiếu sáng sự cố, bổ sung dây phản quang, mũi tên phản quang chỉ hướng nhằm mục đích để người thoát nạn khi di chuyển trong buồng thang có thể nhìn rõ lối thoát nạn, không bị lóa mắt, tránh bị trường hợp bước hụt chân hoặc vấp ngã và không va vào cửa buồng thang tại tầng khi có cửa mở vào thang. Toàn bộ phần diện tích sàn chiếm chỗ của cửa, khi mở vào buồng thang phải có giải pháp báo hiệu để không cho người trên đường thoát nạn, di chuyển vào đó, đồng thời phải phù hợp với nguyên tắc an toàn thoát nạn của điểm 3.4.3 của QCVN 06:2022/BXD.

Lưu ý, việc chiếu sáng sự cố trong buồng thang, chủ đầu tư bổ sung: đèn chỉ dẫn tầm thấp và đèn chiếu sáng sự cố sử dụng nguồn điện chính và dự phòng bảo đảm hoạt động liên tục tối thiểu 03 giờ kể từ khi có cháy với độ rọi bảo đảm theo TCVN 13456:2022.

3. Về lối thoát nạn

Tại điểm 3.4.1 Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD có quy định: "Trong trường hợp không thể bảo đảm được các kích thước trên, có thể sử dụng tài liệu chuẩn để tính toán thoát nạn cho người và xác định kích thước cần thiết của bản thang, lối thoát nạn, đường thoát nạn căn cứ trên điều kiện cụ thể của công trình. ”

Tại 3.2.6.2 QCVN 06:2022/BXD có quy định cho phép một số trường hợp có thể bố trí một một lối ra thoát nạn. Luận chứng đã trình bày các giải pháp nhằm đáp ứng điều kiện bố trí một lối thoát nạn phù hợp với quy mô công trình: tính toán lối thoát nạn, phân tích diện tích sử dụng có thể gây ra nguồn cháy và chiều cao PCCC tương ứng với từng tầng. Ngoài ra, còn trang bị thêm dây hạ chậm với định mức 2 người/1 chiếc tại mỗi tầng cao của công trình để tăng cường thêm giải pháp thoát nạn trong tình huống khẩn cấp. Như vậy, giải pháp nêu trong luận chứng là phù hợp với nguyên tắc bảo đảm an toàn thoát nạn của QCVN 06:2022/BXD.

4. Về cấp nước chữa cháy

Các quy định về cấp nước chữa cháy nhằm phục vụ công tác chữa cháy của lực lượng cảnh sát PCCC. Luận chứng đã trình bày về vị trí bố trí các trụ cấp nước chữa cháy của mạng cấp nước thành phố (cách công trình 50 m) được đấu nối với nhà máy nước trong khu vực là nơi xe PCCC có thể lấy nước để phục vụ chữa cháy cho công trình. Như vậy, giải pháp nêu trong luận chứng là phù hợp với nguyên tắc bảo đảm cấp nước chữa cháy ngoài nhà theo quy định tại 5.1.1.1 của QCVN 06:2022/BXD (được sửa đổi, bổ sung tại Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD): “Đối với các nhà khi nằm trong phạm vi phục vụ của các nguồn cấp nước chữa cháy ngoài nhà (bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo và các nguồn nước tương tự khác) thì không yêu cầu bắt buộc phải trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Các nội dung này cần được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền thẩm duyệt quyết định.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 58/BXD-KHCN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)