Nghiệm thu đề tài do Viện Vật liệu xây dựng thực hiện

Thứ ba, 12/05/2020 10:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 11/5/2020, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ tăng khả năng chống thấm nước của gạch bê tông” - mã số: RD 93-16, do Viện Vật liệu xây dựng thực hiện. Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng, PGS.TS Vũ Ngọc Anh làm Chủ tịch Hội đồng. 

Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu

Tại cuộc họp, chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Dương Định cho biết, phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) nói chung, gạch bê tông, gạch bê tông nhẹ nói riêng vào các công trình xây dựng hiện nay ở Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm giữ gìn và bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển bền vững đất nước, đặc biệt hướng tới cắt giảm phát thải nhà kính. Việc phát triển VLXKN đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Tuy nhiên, trong quá trình đưa các sản phẩm vật liệu này vào sử dụng trong công trình xây dựng, với trường hợp gạch bê tông đã cho thấy độ thấm nước khá cao ảnh hưởng đến các cấu kiện xây dựng làm giảm tuổi thọ công trình cũng như gây mất mỹ quan. Do đó, nghiên cứu giải pháp để tăng khả năng chống thấm của gạch bê tông để đảm bảo chất lượng nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng loại VLXKN này trong thực tế là cần thiết.

 Nhận xét về kết quả thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng và hai ủy viên phản biện là PGS.TS Tạ Ngọc Dũng (Bộ môn CNVL Silicat, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và PGS.TS  Nguyễn Văn Tuấn (Phó trưởng khoa VLXD, Trường Đại học Xây dựng) đánh giá đề tài có mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, phù hợp với nội dung nghiên cứu của các sản phẩm chính. Nhóm tác giả đã đánh giá phân tích tổng quan về gạch bê tông, ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ đến khả năng chống thấm của gạch bê tông, lựa chọn giải pháp sử dụng phụ gia khoáng, và các nghiên cứu thực nghiệm sử dụng phụ gia khoáng tăng khả năng chống thấm, đồng thời đề xuất cấp phối hợp lý tương ứng với hai công nghệ tạo hình phổ biến rung ép và ép tĩnh để khắc phục hiện tượng này. Các nội dung nghiên cứu này đều được thực hiện khá rõ ràng, có tính logic, phù hợp với mục tiêu đặt ra. Các sản phẩm nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ theo hợp đồng ký kết, gồm báo cáo tổng kết, quy trình công nghệ và 5.000 viên gạch quy tiêu chuẩn đạt yêu cầu đặt ra.

Để hoàn thiện kết quả nhiệm vụ, các chuyên gia trong Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, sửa chữa, bổ sung một số nội dung. Theo đó, phần trình bày cần xem xét lại một số thuật ngữ để sử dụng chính xác hơn như: độ xốp – độ rỗng, nước tạo hình – độ ẩm tạo hình; cần phân biệt thuật ngữ công nghệ tạo hình thực tế và phương pháp tạo hình trong phòng thí nghiệm mặc dù đều là rung ép và ép tĩnh. Phần tổng quan: cần phân tích về thực trạng thiết bị công nghệ và đưa ra lý luận thêm về lựa chọn giải pháp sau khi phân tích các yếu tố công nghệ tác động đến khả năng chống thấm của gạch bê tông. Ngoài ra, nhóm tác giả cần chỉ ra các tính chất cần thiết thử cho nguyên vật liệu đầu vào, chỉ rõ loại tro bay sử dụng cũng như cần đưa ra tính toán cấp phối tương ứng với các mác gạch bê tông lựa chọn, và liên hệ với bài toán thực tế về cấp phối lựa chọn cho nghiên cứu; bổ sung quy trình trộn trong phòng thí nghiệm, quy trình bảo dưỡng mẫu…

Kết luận cuộc họp, TS Nguyễn Quang Hiệp (Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng), Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu tổng hợp các nhận xét, đánh giá và ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm thực hiện đề tài nghiêm túc tiếp thu để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện báo cáo đề tài.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, với kết quả đạt loại Khá.

Ninh Hoàng Hạnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)