Phát triển Đà Lạt - thành phố mộng mơ trở thành đô thị hiện đại, trung tâm du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc

Thứ ba, 02/01/2024 13:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tối 30/12, UBND thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023) và đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phát triển Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, trung tâm du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc.

Nổi bật với phong cách người Đà Lạt "Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách"

Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Cách đây 130 năm, vào ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin - Nhà bác học người Pháp đã đặt chân đến cao nguyên Langbian ở độ cao 1500 m so với mặt nước biển và phát hiện một vùng đất xinh đẹp, có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, yên bình, một địa điểm lý tưởng để xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng - đây được xem là khởi đầu cho sự hình thành, phát triển Đà Lạt ngày nay.

Sau 130 năm Đà Lạt từ miền đất hoang sơ đã trở thành Trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, du lịch, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo của tỉnh Lâm Đồng, có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên, với dân số trên 230 nghìn người và 20 dân tộc anh em chung sống đoàn kết, thuận hòa.

Nổi bật với phong cách người Đà Lạt "Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách", thành phố Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và Quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ với gần 2500 cơ sở lưu trú, 32000 phòng, thu hút trên 6,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2023; là thành phố Festival Hoa đã qua 9 lần tổ chức với chu kỳ 02 năm/01 lần. Đà Lạt cũng đang trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản.

Đặc biệt, thành phố Đà Lạt được lựa chọn là một trong 8 thành phố của Việt Nam (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Hải Phòng) tham gia phối hợp thực hiện việc xây dựng Đề án thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực Âm nhạc, lĩnh vực mà thành phố có lịch sử phát triển, có nhiều thành tựu và tiềm năng.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc: Khẳng định thương hiệu Đà Lạt

Phó Thủ tướng bày tỏ: "Chúng ta rất vui mừng Đà Lạt đã được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc chính thức vào ngày 13/10/2023 và đón nhận danh hiệu này tại buổi lễ hôm nay. Qua đó góp phần định vị thương hiệu, khẳng định sự ghi nhận của bạn bè trong nước và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quảng bá hình ảnh thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện".

Để phát huy giá trị này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng: Với cấp địa phương cần tập trung thực hiện 3 sáng kiến. Trước tiên là, di sản âm nhạc của tương lai: nghiên cứu, lưu trữ có hệ thống kho tàng kiến thức và thực hành âm nhạc truyền thống của các nhóm dân tộc Đà Lạt với sự nghiên cứu của cộng đồng; nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho cộng đồng; giáo dục âm nhạc vì cộng đồng.

Tiếp đó, cần hợp tác với các nhạc viện, học viện âm nhạc nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp giáo dục đào tạo âm nhạc. Đồng thời cần thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật (âm nhạc); củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo như xây dựng bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đa phương tiện; xây dựng Trung tâm nghệ thuật Đà Lạt trên nền một không gian sáng tạo hiện có thành một tổ hợp sáng tạo trọng điểm của thành phố.

Với mạng lưới ở cấp quốc tế sẽ tiến hành tổ chức các chương trình: Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á hằng năm diễn ra trong 4 ngày; Thanh âm của đại ngàn. Festival âm nhạc quốc tế LangBiang, tổ chức hai năm một lần, kéo dài 1-2 tuần với sự hợp tác của chính quyền địa phương, tư nhân, nghệ sĩ quốc gia, quốc tế và cộng đồng.

Gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc: Khẳng định thương hiệu Đà Lạt

Phát triển Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Thành phố Đà Lạt đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để xây dựng, phát triển Đà Lạt trở thành một đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc, xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

"Đây không chỉ là ý chí, quyết tâm, mà đó còn là sự tiếp nối từ truyền thống lịch sử, những thành tựu đạt được qua 130 năm hình thành, phát triển của Đà Lạt và yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Thành phố trong giai đoạn mới", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Đà Lạt giữ gìn vẻ đẹp thơ mộng, truyền thống nhưng luôn đổi mới, sáng tạo, phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, đặc sắc

Đà Lạt giữ gìn vẻ đẹp thơ mộng, truyền thống nhưng luôn đổi mới, sáng tạo, phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, đặc sắc

Với khát vọng và niềm tin về một thành phố Đà Lạt giữ gìn vẻ đẹp thơ mộng, truyền thống nhưng luôn đổi mới, sáng tạo, phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, đặc sắc trong tương lai, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố Đà Lạt tiếp tục giữ gìn, vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân.

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân, gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.

Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội với phương châm lấy người dân làm trung tâm; người dân vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người được hưởng lợi từ thành quả phát triển. Không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Giữ gìn, phát triển và phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, phong cách người Đà Lạt "Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách" để Đà Lạt trở thành nơi của tinh hoa, trí tuệ hội tụ, lan tỏa lợi ích, mang đậm bản sắc riêng.

Đà Lạt: Nơi của tinh hoa, trí tuệ hội tụ, lan tỏa lợi ích, mang đậm bản sắc riêng

Tập trung xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch. Trong đó phát triển thành phố Đà Lạt phải phù hợp với định hướng phát triển vùng Tây Nguyên, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, "Thành phố Đà Lạt là trung tâm tiểu vùng Nam Tây Nguyên"; bảo đảm tiến độ, chất lượng với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược. Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội và quyết liệt hơn nữa trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, góp phần đưa Đà Lạt trở thành một địa phương phát triển quan trọng của vùng, của đất nước, điểm kết nối quan trọng với khu vực và thế giới.

Phát huy danh hiệu Thành phố Festival hoa Việt Nam; tận dụng các tiềm năng và lợi thế, đầu tư phát triển Du lịch chất lượng cao trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có thương hiệu đối với thế giới, gắn với giữ gìn, phát triển và phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, phong cách người Đà Lạt "Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách" để Đà Lạt trở thành nơi của tinh hoa, trí tuệ hội tụ, lan tỏa lợi ích, mang đậm bản sắc riêng. 

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng xanh, sạch bền vững, thân thiện môi trường; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" hướng đến các thị trường xuất khẩu và tiêu dùng cao cấp.

Thứ sáu, hoạt động tích cực và phát huy tốt vai trò thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, qua đó góp phần thúc đẩy gia tăng giá trị đóng góp mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa vào nền kinh tế địa phương.

Phó Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt ngày càng phát triển giàu đẹp, bền vững, phát huy giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo và vai trò, vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại để Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ mãi là điểm đến lý tưởng của du khách bốn phương trong và ngoài nước lựa chọn cho các chuyến du lịch, các kỳ nghỉ dưỡng, các hoạt động hội họp và công tác.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)