Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 513/BXD-QHKT ngày 13/02/2020 trả lời như sau:
Hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị cũng khá đầy đủ và điều chỉnh các hoạt động về quy hoạch và đầu tư xây dựng, bao gồm Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Quy hoạch 2017, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch và các Nghị định hướng dẫn thi hành các Luật.
Việc kiểm tra, rà soát các quy hoạch xây dựng, giao thông đô thị để giảm thiểu tối đa tình trạng ách tắc giao thông tại các thành phố lớn luôn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg tại Quyết định số 339/QĐ-BXD ngày 26/4/2019.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tại Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019, trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị .
Một số giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng ách tắc giao thông tại các thành phố trong thời gian tới như sau:
a) Bộ Xây dựng:
- Tập trung đôn đốc các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019, và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 của Quốc hội
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.
- Triển khai lập Quy hoạch tổng thể đô thị và nông thôn quốc gia theo Luật Quy hoạch 2017 nhằm xây dựng phát triển mạng lưới đô thị hài hòa, cân đối giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn; phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật đô thị tạo sức hấp dẫn cho đô thị vừa và nhỏ; giảm dịch cư cơ học vào đô thị lớn.
-Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, vùng TP Hồ Chí Minh nhằm phân bổ nguồn lực có hiệu quả; liên kết không gian vùng; chia sẻ chức năng giữa các đô thị trong vùng, tạo động lực, sức hấp dẫn cho các đô thị vệ tinh, khai thác tiềm năng đô thị trung tâm.
b) Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương:
- Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch.
- Kiểm soát sự gia tăng dân số và phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô, giảm sự tập trung của các bệnh viện, trường đại học trong khu vực đô thị trung tâm; thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt.
-Phát triển các khu đô thị tại các đầu mối giao thông công cộng lớn (mô hình TOD – Transit Orientation Development) nhằm rút ngắn khoảng cách đi lại, tăng cường sử dụng giao thông công cộng của người dân.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.
- Tập trung nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư hệ thống giao thông, đặc biệt các tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm, xe buýt nhanh theo quy hoạch thông qua nhiều hình thức đầu tư khác như BOT, BT, PPP…
- Rà soát quy hoạch chung đô thị để bổ sung, mở rộng các tuyến đường bộ, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh phù hợp với yêu cầu phát triển của đô thị.
- Tổ chức hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, ưu tiên kết nối các không gian công cộng trong đô thị, khai thác giao thông đa dạng về loại hình (dưới lòng đất, trên mặt đất, trên cao và đường thủy).
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 513/BXD-QHKT