Hướng dẫn doanh nghiệp về hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi

Thứ ba, 22/08/2023 16:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 22/8/2023, Bộ Xây dựng đã có công văn 3801/BXD-HĐXD gửi Công ty Cổ phần Hà Nội ngàn năm hướng dẫn doanh nghiệp về hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án “Bệnh viện chuyên khoa ung bướu và phẫu thuật thẩm mỹ 1000 năm Thăng Long” tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội (sau đây gọi tắt là Dự án).

1. Pháp luật về xây dựng:

- Tại điểm d khoản 3 Điều 14 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ quy định về hồ sơ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó bao gồm:

 “d) Văn bản ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của thiết kế cơ sở; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường

(nếu có yêu cầu theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường);

Các thủ tục về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, không yêu cầu bắt buộc xuất trình các văn bản này tại thời điểm trình hồ sơ thẩm định, nhưng phải có kết quả gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng trước thời hạn thông báo kết quả thẩm định 05 ngày làm việc. Trường hợp chủ đầu tư có yêu cầu thực hiện thủ tục lấy ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của thiết kế cơ sở theo cơ chế một cửa liên thông khi thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thì chủ đầu tư nộp bổ sung 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;”.

- Nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 58 Luật số 62/2020/QH14, trong đó tại điểm đ khoản 2 Điều 58 có nội dung thẩm định về “Sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở về bảo đảm an toàn xây dựng; việc thực hiện các yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường”.

2. Pháp luật về môi trường:

- Tại khoản 2 Điều 171 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, báo cáo đánh giá tác động môi trường lập lại, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và văn bản xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xem xét, cấp giấy phép môi trường”.

- Tại điểm d khoản 1 Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định “Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thực hiện các việc sau đây: …; Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng”.

- Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 “Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (nếu còn hiệu lực theo quy định của pháp luật) là cơ sở để cơ quan chuyên môn về xây dựng xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án.

Trường hợp cần được làm rõ hoặc có vướng mắc, đề nghị Công ty Cổ phần Hà Nội ngàn năm liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về môi trường để được hướng dẫn đúng quy định.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3801/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)