Trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi do Bộ Xây dựng thực hiện đã đưa nhiều nội dung đổi mới theo hướng minh bạch hóa cấp phép xây dựng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục hoạt động Xây dựng, xung quanh những thay đổi tích cực này.
- Xin cấp phép xây dựng luôn là cửa ải mà người dân thấy khó khăn nhất khi xây dựng nhà ở. Để cải thiện tình hình này, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi có những điểm mới gì về công tác cấp phép xây dựng, nhất là việc cắt giảm bớt các thủ hành chính thưa ông?
Cục trưởng Bùi Trung Dung: Công tác cấp phép xây dựng trong những năm gần đây đã có nhiều cố gắng, tỷ lệ công trình và nhà ở xây dựng không phép, sai phép đã giảm dần. Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về cấp giấy phép xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể và chi tiết các điều kiện, quy trình cấp phép theo hướng đơn giản tối thiểu các thủ tục hành chính, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân thực hiện công tác cấp phép xây dựng. Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá rất cao tiêu chí minh bạch trong cấp phép xây dựng, tăng tới 38 bậc và là tiêu chí minh bạch cao nhất ở Việt Nam - đứng thứ 15/185 quốc gia.
Tuy nhiên, tình trạng xây dựng nhà ở không phép vẫn còn không nhỏ. Sở dĩ có tình trạng này là do quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị ở các địa phương triển khai thực hiện còn chậm trễ không có cơ sở để xem xét cấp phép xây dựng, dẫn đến phải thỏa thuận về quy hoạch, kiến trúc đối với từng công trình, nhà ở dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu; mặt khác giấy tờ về quyền sử dụng đất chưa đáp ứng được yêu cầu; đồng thời bộ máy thực hiện công tác cấp phép xây dựng đặc biệt là ở cấp huyện còn thiếu và yếu , chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế cho thấy, chính các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại là những nơi làm chưa tốt công tác này. Sau 10 năm Luật Xây dựng có hiệu lực, những thành phố này rất chậm trễ trong việc công bố quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch-kiến trúc nên không có cơ sở để xem xét cấp phép xây dựng, dẫn đến phải thỏa thuận "xin-cho" về quy hoạch, kiến trúc đối với từng công trình, nhà ở dẫn đến nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Cùng đó, giấy tờ về quyền sử dụng đất cũng làm rất chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Việc “nhà nước hóa giấy tờ đất ” đã cản trở người dân không được cấp phép xây dựng.
Để tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được cấp phép xây dựng nhằm quản lý tốt hơn việc xây dựng theo quy hoạch xây dựng và các quy định của pháp luật liên quan, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này đã “thu hẹp” đối tượng phải xin cấp phép xây dựng. Ví dụ công trình, nhà ở sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc các mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc hay nhà ở riêng lẻ được xây dựng ở nông thôn chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt thì không phải xin cấp phép xây dựng.
Hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ được quy định cụ thể theo từng trường hợp. Trong đó, nhà có quy mô nhỏ, nhà ở nông thôn, nhà xây chen, nhà có quy mô lớn, nhà trong khu đô thị mới, nhà xây tạm... chỉ còn các loại “giấy” gồm đơn đề nghị cấp phép xây dựng theo mẫu; bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thay vì yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như trước đây; một số bản vẽ chủ yếu theo quy định để quản lý về quy hoạch, kiến trúc. Nếu công trình có quy mô lớn hoặc xây chen thì không yêu cầu phải có các bản vẽ kết cấu mà thay bằng giấy kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng; văn bản cam kết đảm bảo an toàn cho công trình lân cận đối với công trình xây chen.
Một trong các thủ tục gây phiền hà nhất hiện nay là thỏa thuận về quy hoạch, kiến trúc cùng một số quy định khác. Tuy nhiên, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã quy định tại các khu vực đô thị đã ổn định nếu chưa có quy hoạch chi tiết thì cơ quan quản lý quy hoạch địa phương phải ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc hoặc thiết kế đô thị để làm căn cứ cho người dân thực hiện thiết kế xin cấp phép xây dựng mà không phải thỏa thuận về quy hoạch, kiến trúc như trước đây.
Cùng đó, thời hạn cấp phép xây dựng cũng được quy định cụ thể. Theo đó, đối với nhà ở tại đô thị là 15 ngày và đối với nhà ở nông thôn là 10 ngày. Cơ quan cấp phép xây dựng phải hướng dẫn, công khai các thủ tục, quy trình thực hiện cấp phép; thực hiện quy trình một cửa liên thông, không được yêu cầu người dân phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan đến công trình mà trách nhiệm này thuộc về cơ quan cấp phép.
Người đề nghị cấp phép xây dựng có quyền phản ánh trực tiếp đến đường dây nóng tới ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thanh tra Sở Xây dựng hoặc thanh tra Bộ Xây dựng những hành vi tiêu cực của cơ quan, cá nhân thực hiện công tác cấp phép xây dựng để xử lý kịp thời. Người dân có quyền khởi công xây dựng, khi đến thời hạn mà cơ quan cấp phép không cấp và không có văn bản thông báo lý do không cấp hoặc chưa cấp. Luật Xây dựng (sửa đổi) được ban hành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xin cấp phép xây dựng mà còn giúp tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng.
- Một trong những điều kiện để được cấp phép xây dựng là phải có hồ sơ thiết kế. Điều này khiến người dân e ngại vì bị thêm thủ tục, mất thêm chi phí. Xin ông giải thích rõ hơn về điều này?
Cục trưởng Bùi Trung Dung: Khi xây dựng bất kể một công trình nào, kể cả nhà ở riêng lẻ, thậm chí rất nhỏ thì chủ nhà đều phải có bản vẽ dù là đơn giản nhất để thể hiện hình dáng, quy mô công trình để cho người thợ xây căn cứ vào đó mà thực hiện theo. Nếu công trình có quy mô lớn thì đòi hỏi còn phải có thiết kế kết cấu tính toán an toàn cho công trình; đồng thời còn để đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, đặc biệt là trong trường hợp xây chen. Việc quy định này là chỉ để đảm bảo an toàn cho chính ngôi nhà của người dân, mặt khác còn phải bảo đảm an toàn cho người xây dựng và các công trình xung quanh.
Tuy nhiên, tùy theo quy mô công trình mà yêu cầu thiết kế khác nhau. Dự thảo Luật Xây dựng quy định hộ gia đình được tự tổ chức thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc nhỏ hơn ba tầng hoặc có chiều cao dưới 12m nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Hộ gia đình cá nhân tự thiết kế chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận. Để tránh tình trạng nảy sinh tiêu cực của cơ quan cấp phép xây dựng, dự thảo Luật Xây dựng quy định cơ quan này không được thành lập đơn vị thiết kế để chỉ định thiết kế cho chủ đầu tư xây dựng công trình.
Hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng chỉ yêu cầu một số bản vẽ chủ yếu như các mặt bằng, một số mặt cắt chính, mặt đứng mà không phải nộp tất cả các bản vẽ có trong hồ sơ thiết kế. Đối với nhà ở tại nông thôn chỉ yêu cầu có bản vẽ mặt bằng công trình để quản lý về chỉ giới xây dựng và đấu nối hạ tầng.
- Mặc dù quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng đã đưa ra mức phạt khá cao, nhưng vẫn còn e ngại sẽ xảy ra tình trạng lợi dụng “nộp phạt để tồn tại” nhất là với những vị trí đắc địa, ông nhận định thế nào về việc này?
Cục trưởng Bùi Trung Dung: Mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng được quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP (Nghị định 121) đã nâng lên cao gấp hai lần so với mức phạt được quy định tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP, nhằm ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, trong thực tế, các vi phạm vẫn có thể cứ diễn ra. Do đó, cùng với việc nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý và ngăn chặn kịp thời các vi phạm.
Các hình thức xử phạt đã được quy định tại Nghị định 121, theo đó ngoài các hình thức xử phạt hành chính, Nghị định còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung, như tước giấy phép; đồng thời có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, khắc phục tình trạng ô nhiễm, môi trường, buộc phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm.
Việc quy định nộp phạt và được xem xét cấp phép hoặc điều chỉnh giấy phép tại Điều 13 của Nghị định 121 đã khiến nhiều người hiểu lầm là “nộp phạt để tồn tại”. Quy định này chỉ là một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm. Để được cấp phép hoặc điều chỉnh giấy phép sau khi đã nộp phạt, công trình phải đáp ứng một loạt các điều kiện như không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng tới các công trình lân cận, không có tranh chấp, được xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp...; đồng thời khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đối với các công trình đang triển khai, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu phải khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định 180/2007/NĐ-CP, mà không được phép tồn tại như quy định tại Điều 13 của Nghị định 121.
Đối với những vị trí đắc địa, thì yêu cầu về quản lý quy hoạch, kiến trúc càng cao; công tác thanh tra, kiểm tra càng phải chặt chẽ, nên sẽ khó để xảy ra “chuyện đã rồi." Giả sử nếu công trình đã hoàn thành cũng sẽ khó đáp ứng được các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc để tồn tại như quy định tại Điều 13 Nghị định 121.
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định 121 chỉ là những quy định nhằm ngăn ngừa vi phạm và để xử lý đối với trường hợp cụ thể, cá biệt. Việc xử lý phải tuân thủ theo đúng quy trình, có sự tham gia của các cơ quan quản lý có liên quan, nên không thể có tình trạng lợi dung nộp phạt để tồn tại.
Để tăng cường hơn nữa công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã đơn giản các thủ tục hành chính đối với công tác này; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân thực hiện công tác cấp phép xây dựng và thanh tra xây dựng. Nếu lực lượng này không phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật công chức.
- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!/.
Theo : TTXVN/Vietnam+