Theo đó, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2021 được tổ chức từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/5/2021 với chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên trong ngành Xây dựng”.
Tháng hành động ATVSLĐ năm 2021 hướng về các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng; các Sở Xây dựng; các doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng trên toàn quốc.
Các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện tổ chức Lễ phát động hoặc các hoạt động cụ thể, thiết thực phù hợp với chủ đề nêu trên.
Các nội dung chính Lễ phát động: Báo cáo tổng quan về công tác ATVSLĐ năm 2020; công bố chủ đề, nội dung, hoạt động trọng tâm triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ trong xây dựng; khen thưởng về ATVSLĐ (nếu có).
Các hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ:
- Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền các thông điệp, tài liệu, ấn phẩm, video với chủ đề, nội dung về ATVSLĐ tới các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công nhân viên và tại các công trường đang thi công xây dựng của các cơ quan, đơn vị với các hình thức như: Trực tiếp, qua internet, truyền thanh, truyền hình, nhắn tin .... Nội dung khẩu hiệu hưởng ứng như Phụ lục kèm theo.
- Tuyên truyền các quy định mới của pháp luật về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định tại Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 số 62/2020/QH14 và Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ.
Tổ chức Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ đối với các chủ thể đang tham gia thi công xây dựng tại các công trình, chú trọng các nội dung sau:
- Kiểm tra việc lập, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn; các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao; xác định vùng nguy hiểm và biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình;
- Biện pháp quản lý, đảm bảo ATVSLĐ đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ sử dụng trong thi công xây dựng;
- Trách nhiệm kiểm tra, giám sát về an toàn lao động và bảo vệ môi trường của các chủ thể tại công trình;
- Kiểm tra, hướng dẫn công tác tổ chức đánh giá, quản lý nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại các công trình đang thi công xây dựng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức khen thưởng về ATVSLĐ cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác ATVSLĐ; xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSLĐ.
Tổ chức các hoạt động khác hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ như:
- Rà soát, kiện toàn hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ tại các cơ quan, đơn vị, tại các công trường thi công xây dựng; làm rõ trách nhiệm quản lý về ATVSLĐ đối với từng cá nhân, chủ thể tham gia thi công xây dựng; rà soát, bổ sung các quy định, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, đặc biệt trong vùng nguy hiểm; tổ chức đánh giá, quản lý nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ có hiệu quả.
- Tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn, khả năng nhận diện nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho người lao động; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về ATVSLĐ; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại chuyên đề về ATVSLĐ; giao lưu, tham quan các mô hình quản lý tốt về ATVSLĐ; tổ chức tự kiểm tra ATVSLĐ tại nơi làm việc; các hoạt động khác phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị.
- Thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình có người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Để triển khai thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ, Bộ Xây dựng giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì, phối hợp với Công đoàn Xây dựng Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý ATVSLĐ trong thi công xây dựng công trình.
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tùy vào chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trong xây dựng phù hợp theo các nội dung trên và có trách nhiệm tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ do các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức.
Trung tâm Thông tin, Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ, đưa tin phản ánh kịp thời các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ trong xây dựng của các cơ quan, đơn vị, địa phương vào thời điểm trước, trong và sau thời gian tổ chức.
Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng đến các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, các cấp quản lý hoạt động xây dựng tại địa phương; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức kế hoạch hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ thiết thực, hiệu quả; phối hợp với Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và các cơ quan liên quan tại địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn về công tác ATVSLĐ trong thi công xây dựng theo kế hoạch.
Các doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng:
- Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 theo các nội dung, chủ đề nêu trên cho phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, bộ phận trực thuộc tổ chức triển khai các nội dung, hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ theo kế hoạch.
- Phối hợp với các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ trong thi công xây dựng theo kế hoạch trên.
- Báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ về cơ quản quản lý tại địa phương, để tổng hợp, báo cáo cấp trên.
Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ trong xây dựng năm 2021 gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 10/7/2021 (báo cáo theo mẫu quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/02/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm).
Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_884-BXD-GD_16032021_signed.pdf
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 884/BXD-GĐ.