Những đóng góp cho sự phát triển
Trong những năm gần đây, nhờ chủ trương đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, các làng nghề đã tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm trong vùng và nhiều lao động từ các vùng khác đến. Hoạt động sản xuất của các làng nghề đã tạo ra việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có những địa phương đã thu hút được hơn 60% lao động của cả làng. Việc phát triển kinh tế làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm đói nghèo, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam. Kết quả thống kê tại một số làng có nghề cho thấy tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt 60 - 80%; nông nghiệp chiếm khoảng 20 - 40%.
Một trong những thách thức lớn đang đặt ra đối với không ít làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Một số mô hình thử nghiệm về xử lý chất thải, quản lý môi trường đã đạt kết quả tốt, được đánh giá cao, nhưng việc duy trì tính bền vững và nhân rộng mô hình lại rất khó khăn và bất cập. Một ví dụ điển hình là “Mô hình xử lý nước thải cho một cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm kết hợp chăn nuôi” tại thôn Xuân Lôi, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Mô hình sau khi thử nghiệm có hiệu quả đã được tổ chức bàn giao cho chủ hộ sản xuất có sự chứng kiến của người dân và chính quyền địa phương, được tuyên truyền trên website của Bộ TN&MT để các địa phương cùng tham khảo, học tập. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn sau khi bàn giao, mô hình đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do chủ cơ sở không muốn chi phí cho việc vận hành mô hình mặc dù đã cam kết trước đó.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan không phải nghề nào, làng nghề nào cũng gây ô nhiễm môi trường. Một số làng nghề đã đem lại đời sống cho nhân dân khá cao, làng xã khang trang, sạch đẹp nhưng ít gây ô nhiễm môi trường, như làng nghề đan lát, thêu, mỹ nghệ… và những làng nghề biết phát huy cao khả năng tay nghề của nghệ nhân và ứng dụng khoa học vào các quy trình sản xuất cũng như quản lý.
Còn nhiều bất cập
Ô nhiễm môi trường làng nghề có đặc điểm là ô nhiễm trong phạm vi một khu vực (thôn, làng, xã…), do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen với khu sinh hoạt của dân cư nên khó kiểm soát và khó quy hoạch để khắc phục. Đồng thời, ô nhiễm môi trường làng nghề mang đậm nét của hoạt động sản xuất theo ngành nghề và loại hình sản phẩm, tác động trực tiếp tới môi trường nước, không khí, đất trong khu vực. Tại khu vực sản xuất của nhiều làng nghề, ô nhiễm môi trường thường khá cao, chất lượng môi trường không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người lao động. Các kết quả quan trắc cho thấy, mức độ ô nhiễm của nhiều làng nghề không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.
Mặc dù quản lý bảo vệ môi trường được Chính phủ giao TN&MT làm đầu mối, nhưng nhiều hoạt động liên quan lại thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ khác như: Bộ KH&ĐT quản lý việc đầu tư hệ thống hạ tầng môi trường KKT, Bộ Xây dựng quản lý và giám sát quy hoạch xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn, Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý, kiểm soát chất thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường trong hoạt động công nghiệp…
Mặt khác, Nhà nước đã ban hành các quy định, chính sách di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đã chỉ đạo tăng cường quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp (CCN) làng nghề hoặc khu sản xuất tập trung. Trên thực tế, nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện, nhưng không triệt để. Một ví dụ tại P.Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có đến 2 CCN để di dời các cơ sở sản xuất nhưng không cụm nào có hệ thống xử lý nước thải. Tại hầu hết các nơi, UBND cấp huyện hoặc cấp xã làm chủ đầu tư CCN làng nghề, nhưng cơ sở hạ tầng mới chỉ dừng lại ở việc cấp điện, hệ thống đường giao thông nội bộ đơn giản... và không có các hạng mục, công trình về bảo vệ môi trường. Tại nhiều khu quy hoạch sản xuất tập trung, các hộ sản xuất không chỉ di chuyển bộ phận sản xuất mà lại di chuyển cả gia đình đến sinh hoạt như CCN Đồng Kỵ (Bắc Ninh), hình thành cả một khu phố mới có cả nơi ở, nơi sản xuất, nơi trưng bày sản phẩm. Do vậy, các KCN, CCN này giống với khu vực giãn dân và là một hình thức mở rộng ô nhiễm.
Theo đánh giá và dự báo của nhiều chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế thì mô hình KCN, CCN do UBND tỉnh và UBND huyện thành lập đã, đang và sẽ là một loại hình gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hàng đầu. Đây là xu hướng đáng báo động trên toàn quốc và nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, đưa các CCN vào đúng khung pháp lý hiện hành, thì thay vì xử lý ô nhiễm trong phạm vi 3.355 làng có nghề và làng nghề được công nhận như hiện nay, chúng ta sẽ phải xem xét và xử lý số lượng các khu vực ô nhiễm gấp đôi, thậm chí gấp ba lần con số hiện tại trong vòng vài năm tới.
Theo báo cáo của Chính phủ cho thấy số lượng cán bộ tham gia vào công tác quản lý môi trường ở địa phương trên phạm vi toàn quốc là trên 2.600 cán bộ. Trong đó có khoảng 95% cán bộ quản lý môi trường cấp huyện không có bằng cấp chuyên môn trực tiếp về môi trường. Đối với cấp xã, phường và thị trấn cán bộ môi trường thường là cán bộ địa chính được giao kiêm nhiệm công tác quản lý môi trường, công việc rất nặng nề, nhưng chế độ chính sách đối với đối tượng này chưa tương xứng, do đó thời gian dành cho việc zhực hiện trách nhiệm về bảo vệ môi trường rất hạn chế. Cho đến nay, chưa có làng nghề nào (kể cả làng nghề đã được công nhận và làng nghề chưa được công nhận) có cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường.
|
Theo : Báo Xây dựng