Nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự

Thứ hai, 20/04/2015 15:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các cơ quan được lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho rằng, việc quy định trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ quyền dân sự là đột phá của việc sửa đổi luật.

Ngày 20/4 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo tại khu vực phía Bắc với sự tham gia của các trường ĐH, viện nghiên cứu, Sở Tư pháp.

Các ý kiến phát biểu đều khẳng định, về cơ bản, các mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Bộ luật là phù hợp, có nhiều nội dung mang tính đột phá quan trọng góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Trong số 10 vấn đề mà Chính phủ xác định là trọng tâm xin ý kiến nhân dân, các ý kiến bày tỏ việc quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự và cho rằng, đây là một trong các đột phá của việc sửa đổi Bộ luật lần này.

Quy định như vậy sẽ góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự; là bước đi cụ thể trong triển khai quy định về vai trò của tòa án trong Hiến pháp mới và góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, bảo đảm hội nhập quốc tế.

Theo đó, “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân... Tòa án không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Bộ luật này, án lệ có thể được áp dụng để xem xét, giải quyết”.

Mặc dù còn ý kiến khác đề nghị không nên quy định nội dung này trong dự thảo BLDS (sửa đổi) mà chỉ nên quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, nhưng nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình. Phó trưởng Khoa Luật Dân sự ĐH Luật Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, không chỉ quy định rõ tòa án, mà các cơ quan khác như UBND các cấp, các bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự trong BLDS (sửa đổi).

Về hình thức sở hữu, dự thảo Bộ luật nêu 2 phương án gồm: Phương án 1 quy định 3 hình thức sở hữu, là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2 quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu riêng, sở hữu chung, trong đó sở hữu toàn dân là dạng đặc biệt của sở hữu chung.

Nhiều ý kiến đồng tính với dự thảo quy định bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung thì cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức độc lập.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sở hữu toàn dân mang yếu tố chính trị-kinh tế rất phức tạp nên cần được điều chỉnh ở các luật chuyên ngành. Trường hợp Nhà nước đưa tài sản này tham gia giao lưu dân sự thì cũng phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng như các chủ thể khác. Pháp luật hiện hành cũng như trong dự thảo Bộ luật đều thể hiện rõ nhưng nội dung này.

Trước hội nghị xin ý kiến dự án BLDS (sửa đổi) ở miền Bắc này thì Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức lấy ý kiến ở khu vực phía Nam. Các đại biểu cũng đã thẳng thắn góp ý trực tiếp vào từng điều luật, đặc biệt là một số vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân.

Cụ thể, một số đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở nào để tăng lãi suất trong hợp đồng vay tài sản từ 150% (BLDS 2005) lên 200% (dự thảo Bộ luật).

Về hình thức sở hữu, bên cạnh một số ý kiến nhất trí với quy định sở hữu gồm 2 hình thức là riêng và chung, hoặc 3 hình thức là toàn dân, riêng, chung. Có đại biểu cho rằng, nên quy định 2 hình thức sở hữu là công hữu và tư hữu.

Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì hộ gia đình, tổ hợp tác luôn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Bên cạnh 2 quan điểm là tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác như dự thảo Bộ luật hoặc không quy định hộ gia đình, tổ hợp tác trong BLDS, một số đại biểu cho rằng nên giữ nguyên như BLDS hiện hành và bổ sung thêm một số quy định để giải quyết những vướng mắc trên thực tiễn như cơ chế hình thành nên gia đình, tổ hợp tác; biến động về thành viên; tài sản chung của hộ gia đình và tư cách của thành viên tham gia giao dịch (nếu thành viên tham gia giao dịch nhân danh hộ gia đình thì trách nhiệm thuộc hộ gia đình; nếu không nhân danh hộ gia đình thì trách nhiệm sẽ thuộc hộ gia đình nếu được các thành viên hộ gia đình đồng ý, sẽ thuộc trách nhiệm cá nhân thành viên đó nếu các thành viên hộ gia đình không đồng ý).

Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là vấn đề mới. Về nguyên tắc, hai bên phải căn cứ vào pháp luật nội dung để thỏa thuận, cam kết. Trong quá trình tòa án giải quyết tranh chấp mà điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào vì có thể không đúng với nội dung hợp đồng. Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự chưa đặt thủ tục giải quyết trường hợp này...

Bộ Tư pháp thống kê từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho biết, tính đến ngày 15/4/2015 đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến về dự thảo BLDS từ các cơ quan Trung ương tới địa phương, từ các cơ quan Nhà nước tới các tổ chức chính trị xã hội, từ các nhà quản lý tới các nhà nghiên cứu, thẩm phán, kiểm sát viên, công chứng viên, luật sư, trọng tài, chuyên gia y tế, đại diện các nhóm yếu thế trong xã hội... Tất cả các ý kiến đã được tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực trong sửa đổi, chính lý vào dự thảo BLDS đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ.

 

Theo : chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)