Nghị định 26/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2013, sẽ thay thế Nghị định 46/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TTXD; và chấm dứt việc thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập TTXD quận, huyện và TTXD xã, phường, thị trấn tại Hà Nội và TP.HCM. Sau ngày 15/5, Nghị định 26/2013/NĐ-CP có hiệu lực thì mô hình chỉ còn duy trì hai cấp là Thanh tra Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng. Theo đó lực lượng TTXD cấp phường, xã sẽ không còn duy trì như trước mà chuyển sang hoạt động theo tổ, đội do Sở Xây dựng quản lý trực tiếp.
Theo đó, cơ quan Thanh tra Nhà nước ngành Xây dựng bao gồm Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng. Hai cơ quan này có con dấu và tài khoản riêng. Thanh tra Bộ Xây dựng có Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra, thanh tra viên, công chức, được tổ chức thành các phòng nghiệp vụ. Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Thanh tra Bộ có nhiệm vụ khảo sát, thu nhập thông tin làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra; thực hiện thanh tra chuyên ngành; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thanh tra cho công chức, thanh tra viên; chủ trì hoặc tham gia các đoàn thanh tra liên ngành…
TTXD cấp quận, huyện hiện đang trực thuộc UBND cấp quận, huyện quản lý trực tiếp sắp tới sẽ được tổ chức lại thành các đội do Sở Xây dựng quản lý. Riêng Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và TP.HCM được tổ chức các đội đặt tại địa bàn cấp huyện.
TS Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, việc thí điểm thành lập lực lượng TTXD cấp quận, huyện, xã, phường tại Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện hơn 5 năm. Báo cáo tổng kết của hai TP này khẳng định các lực lượng trên đã hoạt động hiệu quả trong quản lý trật tự xây dựng. Bộ Xây dựng cũng thống nhất ý kiến trên trong báo cáo gửi Chính phủ. Nhưng tới nay thời gian thí điểm đã kéo dài, trong khi Luật Thanh tra quy định TTXD chuyên ngành chỉ có hai cấp là cấp bộ và cấp sở. Vì vậy nghị định không thể quy định khác.
Ngoài ra Nghị định 26/2013/NĐ-CP cũng quy định rõ, những nội dung thanh tra chuyên ngành Xây dựng: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh BĐS, sử dụng công sở…; thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản làm VLXD, sản xuất VLXD, kinh doanh VLXD có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Về phê duyệt kế hoạch thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 15/11 hàng năm; Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm trình Giám đốc Sở phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 5/12 hàng năm. Kế hoạch thanh tra của sở nếu chồng chéo với kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng thì thực hiện theo kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng. Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Xây dựng với các cơ quan thanh tra của địa phương.
Sau ngày 15/5, Nghị định 26/2013/NĐ-CP có hiệu lực thì mô hình thanh tra xây dựng chỉ còn duy trì hai cấp là Thanh tra Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng. |
Theo : Báo Xây dựng điện tử