Bên cạnh đó, thành phố cũng chuẩn bị các bước để triển khai hàng chục công trình, dự án có quy mô lớn với tổng giá trị đầu tư hơn 240.000 tỷ đồng vào những năm tiếp theo, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX của thành phố; đồng thời chuẩn bị cho xác định và hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ thành phố sắp tới.
Trong năm 2020, mặc dù kinh tế thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng nhờ thực hiện tốt các chính sách, giải pháp phù hợp, phát huy nội lực kết hợp với tranh thủ thu hút đầu tư, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 vẫn chiếm tỷ trọng cao trong GRDP, đạt khoảng 35%. Với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành cũng như khởi công hàng chục dự án trọng điểm, quy mô lớn, đưa vào phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ tốt hơn đời sống người dân thành phố.
Hoàn thành nhiều dự án lớn
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020, thành phố có 37 công trình, dự án có quy mô lớn dự kiến hoàn thành với tổng mức đầu tư là 39.382 tỷ đồng. Đáng chú ý là các công trình giảm ùn tắc giao thông như hầm chui nút giao An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn); tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương; công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (giai đoạn 1); Bệnh viên Ung bướu (cơ sở 2); Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)…
Riêng dự án Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã hoàn thành, kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Đánh giá về ý nghĩa của các dự án khi đưa vào hoạt động, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đã tác động sâu sắc đến rất nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Nút giao thông An Sương đang được đầu tư hạ tầng để xóa điểm đen tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Nhiều công trình, dự án được đầu tư, kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; nhất là đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều trường học và bệnh viện với số phòng học và giường bệnh tăng thêm đáng kể, đáp ứng phần lớn nhu cầu cơ bản của người dân.
Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định. Tất cả các dự án đã được Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư trước khi bố trí kế hoạch vốn để thực hiện.
Cùng gỡ khó
Nhằm đảm bảo kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt từ 95% trở lên, Ủy ban Nhân dân thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ban, ngành, quận, huyện định kỳ họp 2 tuần/lần để rà soát các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân.
Theo ông Võ Văn Hoan, trong khi lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện xem xét kỹ về tính cấp thiết của từng dự án, đảm bảo phù hợp định hướng và nguyên tắc đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Tiêu chí đặt ra là huy động nguồn vốn đến đâu thì bố trí kế hoạch đến đó; rà soát tiến độ thực hiện các dự án, tình hình giải ngân vốn, kịp thời đề xuất phương án điều chuyển vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Trong quá trình điều hành, thành phố giao kế hoạch theo hình thức tạm ứng vốn để giải quyết kịp thời nhu cầu về vốn đầu tư cho bồi thường giải phóng mặt bằng, công trình trọng điểm. Do đó, các công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan, tích cực.
Với quyết tâm hoàn thành nhóm dự án, công trình trong năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị chỉ đạo chủ đầu tư trực thuộc khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lựa chọn nhà thầu để khởi công những công trình đã đăng ký và được bố trí vốn.
‘Không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho người dân’
Song song với đó, các đơn vị chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ thi công công trình; lập hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc nhà nước thành phố khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối quý hoặc cuối năm. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm thực hiện trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho người dân, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án đã, đang triển khai, Ủy ban Nhân dân thành phố giao kế hoạch vốn theo từng đợt trong năm 2020; đồng thời, rà soát, điều chỉnh giảm vốn của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để ưu tiên bổ sung vốn cho những dự án có tỷ lệ giải ngân tốt, dự kiến hoàn thành ngay trong năm.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 1 và Quận 2 đang được thi công gấp rút phần cầu chính,
dự kiến sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật cuối năm 2020. (Nguồn: TTXVN)
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ về việc cho phép Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Với cơ chế này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Đất đai 2013.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đây là điều kiện thuận lợi để thành phố thúc đẩy, triển khai nhanh các dự án trên địa bàn.
Tiến sỹ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ nhận xét Thành phố Hồ Chí Minh cần đánh giá nguồn vốn đầu tư công được phân bổ trong năm 2020 (từ gói hơn 700.000 tỷ đồng) và khả năng huy động thêm của thành phố.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy “át chủ bài” đầu tư công để kích thích tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19
Đầu tư công là nhân tố tăng tổng cầu kích thích tổng cung có hiệu quả nhất trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, thành phố cần ưu tiên tháo gỡ mọi điểm nghẽn để đẩy nhanh đầu tư công, đồng thời kiến nghị Chính phủ cho bảo lãnh đối với các khoản vay thực hiện dự án đối tác công-tư (PPP), mà vẫn đảm bảo sự an toàn về nợ công và ổn định nền tài chính quốc gia.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy “át chủ bài” đầu tư công để kích thích tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19. Trong điều kiện hiện nay, muốn đẩy nhanh đầu tư công, sử dụng nguồn vốn nhà nước để kích thích tăng trưởng, thành phố cần kiến nghị Chính phủ cho phép Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai dự án đầu tư, thủ tục giải ngân theo quan điểm “hợp tình, nhưng có thể chưa hợp lý” và không phải bị quy trách nhiệm “cố ý làm trái,” nếu không có yếu tố tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm…
Trong bối cảnh như đã nêu rất khó vượt qua những điểm nghẽn về thủ tục triển khai dự án và giải ngân, nếu không có giải pháp đặc biệt mang tính tình thế, có thể gọi là “xé rào”.
Khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) vẫn còn phức tạp, là điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.
(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Giải ngân các nguồn vốn đúng tiến độ
Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, góp phần nâng cao hiệu quả của công trình cũng như giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công đúng tiến độ, Thành phố Hồ Chí Minh nhập cuộc quyết liệt với sự tham gia của các sở ngành, quận huyện; đồng thời, chủ động kiến nghị với Trung ương về những vấn đề vượt thẩm quyền để có hướng xử lý nhanh chóng, kịp thời.
Chuẩn bị nhiều dự án, công trình lớn
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh năm 2020 là năm Đảng bộ thành phố tập trung thúc đẩy các dự án trọng điểm; trong đó, dự kiến hoàn thành, khởi công 71 dự án với tổng mức đầu tư trên 62.000 tỷ đồng. Cùng đó, thành phố chuẩn bị 65 dự án cho các năm tiếp theo với tổng mức đầu tư hơn 254.000 tỷ đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị thúc đẩy đầu tư cho 3 năm liền tính từ năm 2020. Do đó, khi được Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư thì Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có điều kiện triển khai các dự án nhanh hơn trong thời gian sắp tới.
Danh mục công trình, dự án có quy mô lớn đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hoặc dự kiến trình chủ trương đầu tư trong năm 2020 là 65 dự án với tổng mức đầu tư hơn 254.561 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, danh mục công trình, dự án có quy mô lớn đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hoặc dự kiến trình chủ trương đầu tư trong năm 2020, trong trường hợp ngân sách thành phố đảm bảo được nguồn vốn và khả năng cân đối để đầu tư cho các dự án là 65 dự án với tổng mức đầu tư hơn 254.561 tỷ đồng.
Ngoài các dự án, công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, thành phố đã xây dựng danh mục các dự án, công trình đầu tư ngoài ngân sách, thu hút các nguồn vốn từ doanh nghiệp, tư nhân với nguồn vốn lớn như: khu đô thị mới Bình Quới-Thanh Đa (quận Bình Thạnh) gần 30.000 tỷ đồng; Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) khoảng 7.510 tỷ đồng; các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 33.600 tỷ đồng…
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 1 và Quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh). (Nguồn: TTXVN)
Về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng bộ thành phố đã nêu rõ thành phố lập và rà soát quy hoạch xây dựng và cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển giao thông đô thị bền vững qua từng giai đoạn; trong đó, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các quy hoạch về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có liên quan đến việc sử dụng đất, đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả...
Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, bổ sung chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Đặc biệt, chú ý khai thác nguồn vốn từ mặt bằng, nhà xưởng, quyền sử dụng đất để có thêm nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; đẩy mạnh kêu gọi và tập trung thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư (PPP); nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí...
Vai trò “người kiến tạo”
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng trừ những dự án Nhà nước bắt buộc phải đứng ra thực hiện việc đầu tư do tính chất quan trọng hay do quy định của pháp luật, còn lại xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp, người dân thực hiện thì thành phố không trực tiếp đóng vai trò là “nhà phát triển dự án” mà chỉ đóng vai trò “người kiến tạo” thông qua việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư, lập quy hoạch, tạo lập quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giám sát triển khai đầu tư xây dựng.
Việc này không chỉ giảm phụ thuộc vào ngân sách thành phố mà ngược lại, còn làm tăng nguồn thu cho ngân sách thông qua nguồn tiền thu được từ việc lựa chọn nhà đầu tư (thông qua đấu giá, đấu thầu), tiền nộp nghĩa vụ ngân sách (thông qua các khoản thuế, phí). Điều này phù hợp với thông điệp về xây dựng một “Chính phủ kiến tạo” mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đề cập.
Về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thành phố nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho phép áp dụng một số đặc thù để thu hút đầu tư, các cơ chế mới không dựa vào yếu tố truyền thông để thu hút đầu tư (như ưu đãi về tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp) mà tạo ra sự thuận lợi hơn về luân chuyển các nguồn lực và dỡ bỏ hạn chế về thị trường.
Đơn cử như cơ chế về thu hút nguồn lực lao động chất lượng cao từ nước ngoài đến thành phố làm việc; cho thành phố thẩm quyền xét duyệt, chấp thuận các dự án đầu tư nước ngoài mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường hoặc các điều kiện mở cửa còn chặt; cơ chế thông thoáng hơn về ngoại hối để thu hút các tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài vào hoạt động…
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc rà soát chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, trong đó chú trọng đẩy nhanh việc đầu tư các dự án khu công nghiệp
Hiện thành phố đẩy nhanh việc rà soát chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ; trong đó, chú trọng đẩy nhanh việc đầu tư các dự án khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong quy hoạch; tiếp tục đề nghị bổ sung vào quy hoạch một số khu công nghiệp mới. Mặt khác, tăng cường vai trò trung tâm của thành phố trong Vùng Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó đẩy mạnh việc hợp tác với các địa phương trong kết nối thông suốt hệ thống hạ tầng giao thông.
Liên quan đến triển khai, giám sát các dự án đầu tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Luật PPP theo hướng cho phép nhà đầu tư được tự đề xuất giá sử dụng dịch vụ với phương châm “lời ăn lỗ chịu,” ngân sách thành phố không cấp bù trong trường hợp dự án thua lỗ...
Đối với việc chuyển tiếp cho các trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất quy định thêm điều kiện chuyển tiếp, cho phép nhà đầu tư tiếp tục hoàn thành 100% việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên cơ sở tự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất để làm cơ sở được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ trong việc vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn; nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống thông tin nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu thực hiện phân quyền cho các cơ quan chủ quản, cơ quan đầu mối về giám sát, đánh giá đầu tư trong việc theo dõi báo cáo giám sát của các chủ đầu tư, chủ chương trình, chủ dự án./.
Đại lộ Phạm Văn Đồng, tuyến đường kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố.
(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)