Đô thị ngầm - kết quả của quy hoạch không gian ngầm đô thị

Thứ năm, 20/09/2012 15:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quy hoạch đô thị ngầmTrong xu thế phát triển đô thị hiện đại, để tiết kiệm đất đai xây dựng tránh ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường... nên đô thị cần phát triển hướng về phía dưới mặt đất xây dựng các công trình ngầm đô thị tạo nên một không gian đô thị ngầm.

Phân vùng quy hoạch không gian ngầm đô thị Nhơn Trạch.

Công trình ngầm đô thị chủ yếu gồm: Các công trình ngầm giao thông vận tải, công trình ngầm dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình ngầm công nghiệp, phần ngầm của các công trình xây dựng-kiến trúc lộ thiên…

Cần khẳng định quy hoạch đô thị ngầm là một nội dung của quy hoạch đô thị. Khi lập quy hoạch đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của đô thị để quy hoạch đô thị ngầm. Xây dựng quy hoạch ngầm cần phải tiến hành quy hoạch đồng bộ với quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo sự khớp nối với các công trình trên mặt đất thành một thể thống nhất.

Về phương pháp quy hoạch đô thị ngầm cần theo cách hợp nhất các công trình ngầm đô thị như: giao thông vận tải, dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp và phần ngầm của các công trình xây dựng - kiến trúc lộ thiên sẽ tạo nên bức tranh toàn cảnh, hợp lý, đồng bộ trong không gian đô thị ngầm.

Công tác thiết kế quy hoạch đô thị ngầm phải đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau: Đảm bảo sử dụng không gian ngầm hợp lý hiệu quả. Phù hợp với quy hoạch tổ chức không gian và hệ thống dịch vụ công cộng của từng loại đô thị và xu hướng phát triển lâu dài của đô thị. Đảm bảo sự kết nối liên hoàn, tương thích thuận tiện, đồng bộ và an toàn giữa các công trình ngầm với nhau, giữa các công trình ngầm với công trình trên mặt đất. Đảm bảo bố trí công trình ngầm theo độ sâu và cách nhau một khoảng cách an toàn, phù hợp để quản lý, khai thác và sử dụng các công trình ngầm và các công trình trên mặt đất có liên quan. Việc đấu nối các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm với nhau với các công trình ngầm khác trong đô thị phải đảm bảo an toàn và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và an ninh và quốc phòng.

Đô thị ngầm trên thế giới

Tại TP Montreal (Canada) từ năm 1962 đã đưa vào sử dụng “TP Ngầm”, là một “TP bên dưới TP”, vận hành trong mối quan hệ hữu cơ với TP trên mặt đất. Đây là hệ thống không gian ngầm đô thị lớn nhất và lâu đời nhất thế giới, cho đến nay đã bao trùm hơn 40 ô phố, với 32km đường đi bộ và hầm đi bộ trong nhà, nằm dưới 63 tòa nhà được nối với các ga metro, ga đường sắt và bến xe buýt, mỗi ngày có hơn 500 nghìn người đi bộ trong mạng lưới ngầm này.

Ở Trung Quốc đã ban hành Nghị định về xây dựng ngầm để quản lý khai thác không gian ngầm đô thị. Theo đó, quy hoạch không gian ngầm đô thị phải tiến hành khai thác lập thể nhiều tầng, liên thông cả không gian theo chiều ngang, phối hợp hài hòa giữa công trình mặt đất và công trình ngầm. Trên cơ sở của Nghị định về xây dựng ngầm, Trung Quốc đã tiến hành lập quy hoạch “đô thị ngầm” tại một số TP lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Thẩm Quyến, Thanh Đảo, Vô Tích.

Từ kinh nghiệm xây dựng đô thị ngầm của các nước trên thế giới sẽ là bài học quý giá đối với các đô thị Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ giữa đô thị ngầm và đô thị hiện hữu trên mặt đất.

Quy hoạch đô thị ngầm ở Việt Nam

Do khai thác không gian ngầm đô thị ở Việt Nam còn rất chậm nên không có ví dụ cụ thể nào về sự thành công trong xây dựng đô thị ngầm ở Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay quy hoạch đô thị ngầm đang bắt đầu từ những đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị.

Tại Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đang có những cố gắng bước đầu trong việc quy hoạch không gian ngầm đô thị ở các đồ án quy hoạch phân khu. Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 đã xác định có các loại quy hoạch đô thị: quy hoạch chung; quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên tại thời điểm năm 2009 Hà Nội đã có quy hoạch chung và đã lập xong quy hoạch chung các huyện và quy hoạch chi tiết các quận. Do đó các quy hoạch phân khu chưa được thực hiện. Sau khi “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đã tiến hành lập các quy hoạch phân khu.

Tại Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), từ năm 2007 - 2008 đã bắt đầu phối hợp với Cty Moh and Associates (MAA, Đài Loan) thực hiện thí điểm quy hoạch không gian ngầm đô thị Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, dân số toàn đô thị Nhơn Trạch đến 2020 dự báo 600 nghìn người, trong đó nội thị 450 nghìn người, ngoại thị 150 nghìn người; nhu cầu đất xây dựng đô thị đến 2020 khoảng 22.700ha, trong đó đất xây dựng dân dụng khoảng 9.200ha. Đồ án này hiện nay đang được hoàn thiện để báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai.

Từ các thí dụ nêu trên cho thấy rằng các đô thị Việt Nam tiếp cận còn chậm đối với quy hoạch đô thị ngầm và quy hoạch không gian ngầm đô thị bởi nhiều lý do khác nhau, song quan trọng nhất là Việt Nam còn thiếu các hướng dẫn cần thiết từ văn bản quy phạm pháp luật đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các giáo trình đào tạo… về đô thị ngầm và không gian ngầm đô thị.


PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)