Theo đó, việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 46/2005/NĐ-CP nhằm quy định cụ thể, thống nhất mô hình tổ chức của Thanh tra Xây dựng để phù hợp với Luật Thanh tra 2010 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2011), phù hợp với tình hình thực tế, không gây xáo trộn lực lượng thanh tra xây dựng, đảm bảo lực lượng đủ mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu quản lý ngành xây dựng là cần thiết.
Thực trạng hệ thống Thanh tra xây dựng
Căn cứ Luật Thanh tra năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06/04/2005 về tổ chức, hoạt động của Thanh tra Xây dựng. Đây là cơ sở pháp lýcho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng hiện nay.
Trên toàn quốc hiện có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã, thành phố theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Lâm Đồng… Riêng TP.Hà Nội và TP.HCM, lực lượng Thanh tra Xây dựng được thành lập đến cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại TP.Hà Nội và TP.HCM. Đội Thanh tra Xây dựng được thành lập ở hầu hết các quận huyện. Cá biệt có tỉnh chỉ thành lập 1-2 đội Thanh tra Xây dựng cơ động như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế; tỉnh thành lập nhiều đội nhất là Đồng Nai 11 đội, Bình Thuận 9 đội, Đắc Lắk và Lâm Đồng đều có 7 đội. Số lượng cán bộ Đội Thanh tra Xây dựng nhiều nhất là 20 người, ít nhất là 3 người, bình quân mỗi đội có từ 4 - 6 người. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hầu hết các cán bộ của Đội Thanh tra Xây dựng đều có trình độ đại học, một số cán bộ thuộc Đội Thanh tra Xây dựng đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra.
Về hiệu quả hoạt động, nhìn chung các Đội Thanh tra Xây dựng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được giao: Nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép được phát hiện và xử lý kịp thời, Đội Thanh tra Xây dựng vừa là cánh tay nối dài của Sở Xây dựng, vừa giúp UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng và một số nhiệm vụ khác được giao.
Số lượng các vụ vi phạm do đội Đội Thanh tra Xây dựng phát hiện và báo cáo người có thẩm quyền xử phạt rất lớn đã cho thấy hiệu quả hoạt động cũng như sự cần thiết của lực lượng này. Đồng thời với việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và trình Chánh Thanh tra Sở ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các Đội Thanh tra Xây dựng còn giúp UBND cấp huyện kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành; báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện những trường hợp vi phạm đã được lập biên bản nhưng huyện chưa ra quyết định xử phạt hoặc đã có quyết định xử phạt nhưng người vi phạm chưa thực hiện. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc của các Đội Thanh tra Xây dựng góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng của UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã, cấp huyện.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn gặp khó khăn, bất cập khi lập đề án tổ chức, thành lập các Đội Thanh tra Xây dựng theo Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV vì Nghị định số 46/2005/NĐ-CP chưa quy định vấn đề này. Hiện nay cả nước có 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Đội Thanh tra Xây dựng .
Bên cạnh mô hình Đội Thanh tra Xây dựng thuộc Sở Xây dựng, TP.Hà Nội và TP.HCM hiện nay đang áp dụng mô hình Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã phường, thị trấn theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ tổng kết việc thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm mô hình của Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg cho thấy, lực lượng Thanh tra Xây dựng được tổ chức ở 3 cấp độ tại những đô thị lớn như TP.Hà Nội và TP.HCM là phù hợp thực tế, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Tuy nhiên, việc thành lập Thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện và cấp xã chưa được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5114/VPCP-TCCV ngày 26/7/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc nghiên cứu phương án sắp sếp lại lực lượng Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại TP.Hà Nội, TP.HCM trên cơ sở phù hợp quy định của Luật Thanh tra năm 2010, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu và tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, UBND hai thành phố về phương án tổ chức lại lực lượng Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã phường, thị trấn. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất sáp nhập lực lượng này vào Thanh tra Sở trên cơ sở đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn, điều kiện về thanh tra viên chuyên ngành xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế phương án sắp sếp lại lực lượng Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã phường, thị trấn có những bất cập lớn như: Đây là lực lượng hoạt động trực tiếp tại địa bàn nên quân số đông, nếu sáp nhập về Thanh tra Sở sẽ không đảm bảo cân đối về cơ cấu, tổ chức các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở; trường hợp thành lập các Đội Trật tự xây dựng trực thuộc UBND các cấp chỉ đáp ứng được một phần chức năng của Thanh tra chuyên ngành xây dựng, do vậy, hiệu quả hoạt động sẽ hạn chế so với mô hình theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg.
Hiện nay, đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như tính cần thiết của yêu cầu quản lý trật tự xây dựng, UBND TP.Hà Nội có Công văn số 8029/UBND-SXD ngày 26/9/2011, UBND TP.HCM có Công văn số 612/UBND-PCNC ngày 14/02/2012 kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép hai thành phố được tiếp tục thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg.
Từ thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất: Đối với Thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hoạt động theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg cho đến khi mô hình chính quyền đô thị được thông qua, khi đó có thể đưa tổ chức Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn vào cơ cấu tổ chức mô hình Chính quyền đô thị; Đối với Thanh tra Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc sẽ kiện toàn tổ chức, hoạt động theo quy định của Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sự cần thiết ban hành Nghị định
Luật Thanh tra năm 2012 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2011, bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, đồng thời quy định cụ thể hơn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lýnhà nước trong việc thực hiện kết luận thanh tra; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra. Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định số 46/2005/NĐ-CP là cần thiết và phù hợp quy định pháp luật hiện hành.
Mặt khác, việc sửa đổi Nghị định số 46/2005/NĐ-CP nằm trong Chương trình công tác quýIII/2011 của Chính phủ được ban hành kèm theo công văn số 987/VPCP-TH ngày 06/9/2011 của Văn phòng Chính phủ, được quy định cụ thể trong Quyết định số 112/QĐ-BXD ngày 26/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2011 của Bộ Xây dựng.
Được biết, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát trực tiếp, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 46/2005/NĐ-CP tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, TP.Hồ Chí Minh và Bình Thuận. Tháng 7/2011, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 46/2005/NĐ-CP, lấy ýkiến góp ýcủa Thanh tra Sở Xây dựng trên toàn quốc về báo cáo tổng kết và đề cương Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2005/NĐ-CP. Hầu hết các Sở Xây dựng trên toàn quốc đều đề cập đến hạn chế về tổ chức của Thanh tra Sở. Nếu chỉ riêng lực lượng Thanh tra Sở hiện nay sẽ không thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục hoạt động xây dựng nói riêng và các lĩnh vực hoạt động khác thuộc phạm vi quản lýnhà nước ngành xây dựng nói chung.
Dự thảo Nghị định về tổ chức, hoạt động của Thanh tra xây dựngđược xây dựng thành 6 chương, 22 điều đã được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ýkiến bằng văn bản của các bộ, ngành liên quan và Thanh tra Sở Xây dựng trên toàn quốc, đã được Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định.
Tại công văn số 3767/BTP-PLHSHC ngày 16/5/2012, Bộ Tư pháp đã nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định mới quy định về tổ chức, hoạt động của Thanh tra Xây dựng; xác định vai trò quan trọng của Thanh tra Xây dựng trong việc đảm bảo trật tự xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Bộ Tư pháp cũng đã khẳng định: dự thảo Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp các quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản liên quan, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của Nghị định sau khi được ban hành.
Theo : Báo Xây dựng điện tử