Ngày 12/4, tại TP.Cần Thơ, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo “Sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL cho sản xuất bê tông”.
Hội thảo Sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL cho sản xuất bê tông.
Hiện nay, trong khi nguồn cát sạch dùng cho xây dựng đang khan hiếm dần thì ĐBSCL được xem là vùng có nguồn tài nguyên cát rất dồi dào nhưng chưa được khai thác hiệu quả dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện ĐBSCL có trên 850 triệu m3 cát tập trung nhiều tại các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ… Tuy nhiên chất lượng nguồn cát tự nhiên rất thấp do lẫn nhiều tạp chất nên chỉ có khoảng 59 triệu m3 có thể sử dụng cho xây dựng còn lại chỉ dùng cho san lấp làm giảm giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên trên. Cũng chính vì cát bẩn nhiều nên tình trạng “ăn bớt” cát trong xây dựng xảy ra khá phổ biến tại các tỉnh, thành ĐBSCL.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm xử lý nguồn cát ở ĐBSCL, trong đó được đánh giá cao và khả thi nhất là biện pháp sàng, rửa phân loại và xử lý cát trước khi sử dụng của Công ty TNHH XD-TM-VT Phan Thành (Cần Thơ).
Theo ông Võ Tấn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH XD-TM-VT Phan Thành, cát sạch là một trong những yếu tố quan trọng làm cho vữa bê tông và vữa xây tô không bị mao dẫn thấm nước. Tường xây không ẩm, mốc, giúp nước sơn bền màu, không bong tróc, đồng thời đảm bảo thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng sơn trong suốt thời gian sử dụng, tiết kiệm được chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.
“Hệ thống thiết bị sàng rửa cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng” có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng cát sạch trong xây dựng. Từ năm 2007 đến nay, hệ thống đã qua 5 lần cải tạo, khắc phục một số nhược điểm.
Hiện nay, hệ thống có thêm tính năng vừa rửa vừa tách cát, tiết kiệm được chi phí trong xây dựng nhiều hơn so với ban đầu.
Theo CAND