Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Trị

Thứ tư, 18/12/2024 14:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chiều 16/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Trị thời kỳ đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Tham dự cuộc họp có đại diện các sở, ban, ngành và địa phương liên quan.

Thời gian qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Quảng Trị đã có nhiều dự án được đầu tư như: khai thác chế biến cát trắng, sản xuất xi măng, gạch đất sét nung, gạch không nung, đá xây dựng, cát sỏi xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông cấu kiện, vật liệu san lấp... cơ bản đáp ứng nhu cầu về chủng loại, chất lượng và số lượng cho các công trình trên địa bàn tỉnh, giao thương thị trường ngoài tỉnh và thị trường xuất khẩu. Các mỏ khoáng sản được phân bố trên khắp địa bàn tỉnh, trong đó, nổi bật là cát trắng và các loại khoáng sản làm VLXD, tập trung chủ yếu tại huyện Cam Lộ và Hướng Hóa với các mỏ lớn như: Tân Lâm, Cam Thành, Tà Rùng, Tà Poong, Cù Bai và Khe Mèo; ngoài ra còn có các khoáng sản làm VLXD khác như: sét xi măng, phụ gia xi măng, cát trắng...

Báo cáo tại cuộc họp, đơn vị tư vấn cho biết, Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Trị thời kỳ đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 có phạm vi nghiên cứu trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời xác lập phương án cung ứng VLXD trong và ngoài tỉnh, nhất là đối với các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường. Các đối tượng nghiên cứu gồm các loại vật liệu: xi măng, gạch xây nung, vật liệu xây không nung, đá xây dựng, cát, sỏi xây dựng, khai thác chế biến cát trắng, sản xuất bê tông thương phẩm, bê tông cấu kiện, vật liệu lợp, vật liệu san lấp.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, các hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư mới và nâng cấp, qua đó, làm tăng nhu cầu sử dụng VLXD trên địa bàn tỉnh; bên cạnh đó, ngành sản xuất VLXD của tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, vì vậy, trong thời gian tới, thị trường VLXD sẽ thiếu hụt nguồn cung cấp xi măng, vật liệu xây, đá xây dựng, cát xây dựng tự nhiên và đất san lấp. Để đưa nghành sản xuất VLXD tỉnh phát triển hơn và đáp ứng nhu cầu thị trường, Đề án đã đưa ra 7 nhóm giải pháp về việc hoàn thiện thể chế, chính sách; khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; áp dụng khoa học, công nghệ; giải pháp về thị trường; nguồn lực lao động; nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất VLXD và bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Đại diện các sở, ban, ngành, địa phương tham gia ý kiến về đề án

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương đã tham gia một số ý kiến về đánh giá thực trạng sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh; khó khăn trong việc khai thác tại các mỏ ở vùng núi; đề nghị đưa các công nghệ sản xuất tiên tiến vào khai thác; quy hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xi măng; hoàn thiện bộ giải pháp về việc khai thác tài nguyên…

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến nhấn mạnh, nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh có trữ lượng rất lớn, tuy nhiên, việc sản xuất VLXD đang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác và thủ tục cấp phép. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện đề án; yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá chất lượng vật liệu, đặc biệt là vật liệu phục vụ trong ngành giao thông vận tải để đảm bảo cung cấp đủ số lượng và chất lượng cho các công trình xây dựng; định hướng khai thác các mỏ đá, mỏ cát có chất lượng để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao; các cơ quan liên quan phối hợp với địa phương đánh giá lại quy trình, thủ tục trong việc cấp phép khai thác các mỏ nguyên liệu để hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư.

Nguồn: Quangtri.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)