Về sản xuất gạch nung, địa phương chỉ chấp thuận cho tồn tại hai loại công nghệ là lò Tuynel và lò đứng nung gạch liên tục hiệu suất cao. Một số loại sản phẩm vật liệu xây dựng cao cấp như gạch lát Terazzo, gạch lát cao cấp, đá xẻ ốp lát, tấm nhựa ốp trần và tường tấm ốp hợp kim nhôm Composite, gỗ ván ép được tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đang sở hữu công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường sinh thái đến đầu tư, phát triển sản xuất.
Tại đề án này, tỉnh đặt mục tiêu huy động 1.500 tỷ đồng từ ngân sách, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư, phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp để phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời cho dừng hoạt động đối với những cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, từng bước thay thế loại sản phẩm gạch đất sét nung bằng mặt hàng gạch không nung ximăng-cốt liệu với nguyên liệu từ nguồn đá mạt hoặc chất thải rắn, thí điểm đưa vào sản xuất gạch block bê tông bọt nhằm giảm thiểu lượng khí thải, khói, bụi xả vào không khí, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch.
Ông Đinh Hồng Khanh, Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Bình, cho biết tài nguyên khoáng sản trên địa bàn có nhiều loại, nhưng đáng kể nhất là đá vôi với trữ lượng hàng chục tỷ tấn, phân bố rộng khắp trên diện tích hàng chục nghìn hecta; tiếp đến là quặng Dolomit có chất lượng tốt, cùng nhiều mỏ đất sét ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thị xã Tam Điệp, ngoài ra còn có đá xây dựng, cát, sỏi...
Ninh Bình hiện có 716 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong đó, có 7 nhà máy sản xuất xi măng, 26 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, 67 doanh nghiệp khai thác, chế biến đá, 42 tổ hợp khai thác đất đá san nền, 22 cơ sở khai thác đất sét làm gạch, 19 cơ sở sản xuất vôi, 88 cơ sở sản xuất gạch không nung, 392 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng... Thời gian qua, Ninh Bình coi sản xuất gạch đất sét nung, khai thác đá và đặc biệt là sản xuất ximăng là khâu đột phá, đóng vai trò "đòn bẩy" đưa kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trong những năm qua đã dẫn đến tình trạng khai thác nguyên vật liệu bừa bãi, không tập trung, gây tác động to lớn đến môi trường sinh thái, đặc biệt ở một số cơ sở gạch nung, nghiền sàng đá xây dựng; chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cấp, ngành, chính quyền về sản lượng, chất lượng, giá thành, an toàn lao động, thu nộp thuế, thực hiện Luật Tài nguyên, Môi trường./.
Theo TTXVN