Theo quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung(VLXKN) đến năm 2020 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng. Vì vậy, buổi hội thảo này nhằm phổ biến VLXKN tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng tiến tới chấm dứt sử dụng gạch đất sét nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Toàn, Vụ phó, Phó trưởng Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại TP.HCM cho biết: “Qua 3 năm thực hiện chương trình phát triển VLXKN theo Quyết định của Chính phủ, các Bộ ngành, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã bước đầu làm quen với VLXKN. Qua đó có thêm nhiều hiểu biết về việc sản xuất và sử dụng VLXKN, đồng thời cũng giữ gìn quỹ đất nông nghiệp góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giảm thải ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của ngành công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội. Năm 2012 cả nước đã tiêu thụ 3,5 tỷ viên gạch xây không nung, tiết kiệm được khoảng 5,25 triệu m3 đất sét và 535 ngàn tấn than cũng như giảm thiểu khoảng 2 triệu tấn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính”.
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở xây dựng Bình Dương cho biết: “Để triển khai Chương trình, Chỉ thị, Thông tư về VLXKN, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quy hoạch phát triển VLXD của tỉnh đến năm 2020; Sở Xây dựng cũng đã dự thảo và đã lấy ý kiến các sở ngành, huyện thị để sớm trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tăng cưởng sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung ngay sau khi Thông tư 09/2012/TT-BXD có hiệu lực trên địa bàn tỉnh(UBND tỉnh Bình Dương đã đề nghị Bộ Xây dựng gia hạn thực hiện Thông tư 09 đến 01/01/2014). Mặt khác để triển khai thực hiện sử dụng VLXKN, Sở xây dựng đang soạn thảo bộ đơn giá bổ sung theo Định mức dự toán xây dựng công trình và dự kiến trong tháng 8/2013 trình UBND tỉnh công bố”.
Để phổ biến VLXKN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ông Toàn đề nghị: Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nên được xem là một thị trường tiêu thụ VLXD lớn để thực hiện chủ trương của Chính phủ yêu cầu tăng cường sử dụng VLXKN tiến tới hạn chế và chấm dứt sử dụng gạch đất sét nung. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất VLXD đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết bị để sản xuất VLXKN đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Vì vậy Bình Dương cần có những chính sách cơ chế phù hợp để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất VLXKN phục vụ mục tiêu phát triển của ngành xây dựng, cũng như nhu cầu thị trường VLXD.
Ngoài việc phổ biến các chủ trương chính sách về VLXKN thì một số doanh nghiệp cung ứng và sản xuất VLXKN đã giới thiệu thiết bị, công nghệ dây truyền để những doanh nghiệp sản xuất gạch đất sét nung kham khảo khi có nhu cầu chuyển đổi. Một sản phẩm VLXKN có tính năng ưu việt như gạch Block bê tông khí chưng áp – ACC của CtyVương Hải, gạch Bê tông bọt khí của Cty Hidico Đồng Tháp và gạch bê tông cốt liệu của Fico Hitech...
Theo : Báo Xây dựng điện tử