Thực hiện có trọng tâm Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 21/07/2022 11:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã và đang tích cực triển khai các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) theo đúng định hướng. Điều này hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho Nhân dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.


Mô hình nuôi cá kết hợp trồng rau Aquaponics của Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua (huyện Lấp Vò) đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tích cực tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và TCCNNN (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh Đồng Tháp, trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản cơ bản ổn định, tiêu thụ được bảo đảm do nhu cầu về lương thực, thực phẩm gia tăng. Trong đó, công tác dự báo được chú trọng, thông tin kịp thời đến người dân.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành đi vào chiều sâu, phát triển cây trồng, vật nuôi an toàn, bền vững; tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất có quy mô, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; đặc biệt chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được nhân rộng, công tác hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ nông sản được tập trung thực hiện.


Ngành hàng lúa gạo được tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn

Trong đó, trên lúa, vụ đông xuân và hè thu, toàn tỉnh đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản chiếm khoảng 20% tổng diện tích gieo trồng mỗi vụ. Các ngành, địa phương cũng chủ động thực hiện công tác xúc tiến thương mại với các biên bản ghi nhớ kết nối tiêu thụ hàng hóa với TP Hồ Chí Minh; tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Đồng Tháp sang thị trường châu Âu. Ngoài ra, còn thông tin và mời các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất tham dự các chương trình, hội nghị kết nối trong và ngoài nước, các phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Úc, New Zeland... với các ngành hàng nông sản, thực phẩm, may mặc, dược phẩm - thiết bị y tế và nhiều ngành hàng khác.

Ngoài ra, ngành chức năng tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu nông sản chủ lực của địa phương; phát triển sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP...

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo vừa qua, ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu: “Thời gian tới, các thành viên trong Ban Chỉ đạo phải tập trung thực hiện tốt Đề án TCCNNN. Trong đó, tăng cường sức dự báo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản vào chính vụ, tránh ùn ứ hàng, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ngành công thương và nông nghiệp phải tính toán lại việc thực hiện các chính sách đảm bảo đời sống người nông dân; đồng thời phải có giải pháp, nhóm giải pháp hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, đầu vào đầu ra, điều kiện canh tác...; quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển các nguồn giống mới, giống tốt. Trong hoạt động kinh tế hợp tác, các thành viên phải có lộ trình hỗ trợ, tiếp sức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP...”.


Các địa phương phát huy tốt hiệu quả cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, Nhà văn hóa, góp phần cho người dân có môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh

Gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo Ban Chỉ đạo, trong những tháng đầu năm, toàn tỉnh có 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM và 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2021. Hiện, toàn tỉnh có 103 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, còn lại 2 xã đạt 15 tiêu chí và 10 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí; có 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là: TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự; 2 huyện đạt chuẩn NTM là Tháp Mười và Cao Lãnh.

Về vấn đề xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở trong thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp đánh giá: “Thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, nhà văn hóa ấp, liên ấp nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở từng bước được hoàn thiện; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đầu tư; cơ chế, chính sách đối với nguồn nhân lực được quan tâm, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều này giúp phát huy tốt hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư, tạo điều kiện cho người dân có môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao thể chất, sức khỏe cộng đồng...”.


Ông Trương Hùng Minh ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, thu gom bao ni-lông, vỏ lon để đúng nơi quy định nhằm góp phần bảo vệ môi trường nông thôn

Trong năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM và 16 xã đạt xã NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu. Các địa phương đang triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Đối với cấp huyện, phấn đấu năm 2022 có thêm 3 huyện đạt chuẩn là: Lai Vung, Lấp Vò và Châu Thành. Các huyện đã chủ động rà soát tiêu chí huyện theo bộ tiêu chí mới, ban hành kế hoạch và phân công tổ chức thực hiện cụ thể các phần việc để đảm bảo hoàn thành tiêu chí năm 2022...

Ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo nói thêm: “Về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo phải tăng cường theo dõi đánh giá giám sát từng tiêu chí tại từng huyện, thành phố để kịp thời có những tháo gỡ khó khăn. Trong đó, tập trung đề xuất tiến độ từng tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng các chương trình hành động nhằm nâng cao thiết chế văn hóa cấp xã; hướng dẫn cái mới trong thiết chế văn hóa cho cấp cơ sở; nâng cao sinh hoạt về văn hóa đọc, kỹ năng sống; chú trọng hoạt động duy trì văn hóa truyền thống góp phần gắn kết cộng đồng... Về vấn đề môi trường, các thành viên phải xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong thực hiện tiêu chí môi trường; xây dựng các mô hình phân loại rác, bảo vệ môi trường nhằm lan tỏa việc bảo vệ môi trường khu vực nông thôn...”.

Nguồn: baodongthap.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)