Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, trong năm 2021, toàn tỉnh này đã có thêm 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt 2 xã so với Nghị quyết của Tỉnh ủy, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh lên 65/120 xã. Đồng Nai cũng đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu năm 2021.
Đường giao thông nông thôn ở huyện Tân Phú. (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cùng với những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, trong năm qua, Ban chỉ đạo tỉnh Chương trình xây dựng nông thôn mới địa phương này cũng đã thực hiện một số đề án về xây dựng nông thôn mới như đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025; đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với huyện Trảng Bom…
Tỉnh Đồng Nai đánh giá, trong thời gian tới, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn sẽ còn nhiều khó khăn khi thực hiện các tiêu chí về nước sạch nông thôn, trường học, thu nhập… Để bảo đảm hoàn thành mục cho năm 2022, cũng như kế hoạch thực hiện đến 2025, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai xác định, phấn đấu trong năm 2022 có thêm ít nhất 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Cao Tiến Sĩ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho hay, từ năm 2022 trở đi, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bộ tiêu chí dự thảo mới về nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, trong đó có các tiêu chí về môi trường, thu nhập bình quân đầu người, xã thông minh… sẽ đặt ra yêu cầu cao trong quá trình thực hiện. Khi bộ tiêu chí mới ban hành, Đồng Nai sẽ xây dựng bộ tiêu chí mới trên cơ sở bộ tiêu chí chung. Chính vì vậy, các địa phương phải rà soát, ban hành kế hoạch cụ thể xây dựng nông thôn mới cấp huyện trên mọi mặt đời sống xã hội đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai căn cứ kế hoạch khảo sát, kiểm tra từng địa phương, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là về các ngành: tài chính, đầu tư công…để bố trí nguồn lực kịp thời cho các địa phương ngay từ đầu năm.
Được biết, những năm qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, nông dân tỉnh Đồng Nai không chỉ góp phần tạo nên những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp mà còn là đội ngũ gìn giữ nếp sống văn hóa, góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.
Theo đó, trong sản xuất, nông dân áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiến tới xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và các hoạt động dịch vụ.
Chính vì vậy, trong năm 2021, ngành Nông nghiệp của Đồng Nai dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh vẫn đạt tăng trưởng hơn 3%, cao hơn bình quân chung của cả nước và là một trong 2 địa phương đạt mức cao trong khu vực Đông Nam bộ. Thu nhập bình quân đầu người của nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh vẫn đạt trên 66 triệu đồng/người. Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 127 triệu đồng/ha/năm.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông dân đã phát huy được vai trò dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng… Giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh là trên 930 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chỉ chiếm 7,15%, còn lại là vốn tín dụng và vốn của doanh nghiệp, người dân.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông dân là lực lượng trực tiếp xây dựng, giữ gìn và bảo vệ kết cấu hạ tầng nông thôn. Họ còn là lực lượng bảo quản, giữ gìn hệ thống đường sá, cơ sở vật chất ở nông thôn. Nông dân cũng là chủ thể tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở các vùng nông thôn; từng gia đình góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp ở các vùng nông thôn. Trong năm qua, hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân đã tham gia phát quang, dọn vệ sinh các tuyến đường giao thông; tham gia nâng cấp, tu sửa đường giao thông trong khu dân cư, dọn vệ sinh, trồng cây xanh đường giao thông…
Nhận xét về sự quan tâm, đầu tư của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Tỉnh và Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Đồng Nai luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tỉnh Đồng Nai đã chủ động, sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đột phá để huy động được mọi nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới. Ấn tượng nhất là thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Đây là những thành tựu to lớn, là kết quả tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai./…