Những cung đường liên xã (tại huyện Mê Linh) khang trang, sạch đẹp từ chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, từ đầu năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021- 2025".
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Chương trình tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành, 18 huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu chương trình đề ra.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, toàn Thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Bên cạnh đó, toàn bộ 382/382 xã của Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước khi có tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện nhiệm vụ này.
Đặc biệt, đến cuối năm 2021, Hà Nội cũng đã có thêm 4 huyện (Phú Xuyên, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa) đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố xem xét, trình Hội đồng Thẩm định Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 14 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.
Sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Hà Nội, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân - Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Đưa nông thôn Thủ đô thành miền quê đáng sống
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên kinh tế nông thôn phát triển, đời sống bà con nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2021 đã đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Đến nay, hơn 90% người dân khu vực nông thôn đã tham gia đóng bảo hiểm y tế. Cuối năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội giảm còn khoảng 0,3%.
Hạ tầng nông thôn, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đạt hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Không chỉ giữ vị trí đầu tàu ở chức năng đô thị của cả nước, Hà Nội còn phấn đấu phát triển vùng ngoại ô cũng phải trở thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước để nông thôn của Hà Nội trở thành miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh của đất trăm nghề, gắn với phát triển nông nghiệp, du lịch nông thôn.
Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, sau khi huyện Đan Phượng đạt huyện nông thôn mới đầu tiên của Thành phố vào năm 2015, đến nay, huyện vẫn tiếp tục giữ vững vị thế là lá cờ đầu của Hà Nội.
Với phương châm lấy nhân dân làm chủ thể và vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, Thành phố, phát huy thế mạnh của địa phương, đến nay huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Đan Phượng, Liên Hà, Song Phượng, Tân Hội, Thọ Xuân. Đây cũng là những xã đầu tiên của Hà Nội về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Trong thời gian tới huyện sẽ nỗ lực đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao và phấn đấu trở thành quận của Thủ đô.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới
Theo ông Chu Phú Mỹ, với những kết quả nổi bật, toàn diện đã đạt được, năm 2022 Hà Nội sẽ phấn đấu có thêm 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm…
Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện, khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung phát triển tại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đậu, cây ăn quả, hoa và cây cảnh; từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực.