Xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là địa phương tiêu biểu trong khơi dậy sức dân để xây dựng nông thôn mới nâng cao (NTMNC) theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đến cuối tháng 10.2021 xã đã đạt 13/13 tiêu chí NTM nâng cao, đang trình cấp trên thẩm định công nhận.
Một góc xã Phước Sơn hôm nay. Ảnh: X. THỨC
Ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Được công nhận xã NTM vào năm 2016, chúng tôi tiếp tục rà soát các phần việc, phân công trách nhiệm rõ ràng, việc nào của xã, việc nào của thôn, xóm và việc nào của dân thì để dân tham gia; giao trách nhiệm cho các tổ chức hội, đoàn thể, bộ phận chuyên môn xây dựng lộ trình, thời gian, phương pháp, cách làm cụ thể, tổ chức đối thoại, công khai, dân chủ để dân tham gia bàn bạc cùng thực hiện, nhờ vậy người dân đồng tình cao. Cách làm trên vừa tạo điều kiện cho cán bộ chủ động tham mưu, phát huy vai trò, trách nhiệm, vừa giúp cấp ủy bao quát, đánh giá được công việc chung, kịp thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nâng cao lần lượt đạt chuẩn.
Sau 5 năm phấn đấu, xây dựng NTMNC cơ sở hạ tầng của xã Phước Sơn đã đổi thay nhanh chóng, toàn bộ trên 87 km đường nông thôn trên địa bàn đã được cứng hóa, trong đó bê tông hóa 66 km và thảm nhựa 17 km. Người dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất và đóng góp trên 5 tỷ đồng xây dựng đường nông thôn và hơn 3 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường thôn, xóm. Hệ thống thủy lợi với 18 km kênh mương nội đồng đã được kiên cố bằng bê tông, chiếm trên 94% so tổng chiều dài kênh mương hiện có và phục vụ tưới tiêu đạt gần 100% diện tích đất nông nghiệp.
Nhờ có sự chung tay của toàn dân, nên đến nay 100% hộ dân đều sử dụng nước máy, vượt 20% so với yêu cầu của tiêu chí; 10/10 thôn đều có mô hình phân loại rác thải tại nguồn và hiện có trên 700 hộ tham gia, chiếm gần 11% tổng số hộ; có 5.040 hộ tham gia dịch vụ thu gom và xử lý rác tập trung, đạt 78,5%... Giai đoạn 2017 - 2020, cả xã đã huy động các nguồn lực với tổng kinh phí trên 137 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Với những nỗ lực phát triển cánh đồng mẫu, phát triển chăn nuôi gia trại tập trung, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống nền kinh tế của xã phát triển khá và bền vững. Có 8.000 lao động đã qua đào tạo, chiếm 50,56% và trên 13.300 người ở độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, chiếm trên 99%. Hiện cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 32%; tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ chiếm 68%, đời sống của người dân có sự thay đổi đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, tăng 1,64 lần so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016; hộ nghèo giảm còn 1,7%...