Người dân đi lại thuận lợi trên "Đoạn đường kiểu mẫu" có đèn chiều sáng tại huyện Bến Lức, Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc để đời sống người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng trù phú, giữ được những nét đẹp văn hóa, giai đoạn 2021-2025, Long An tiếp tục có lộ trình, giải pháp triển khai phù hợp.
Qua đó, Long An góp phần khẳng định tầm vóc của một địa phương vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa có vị trí "cửa ngõ" khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giữ vững, nâng chất các tiêu chí
Trải qua chặng đường dài xây dựng nông thôn mới, đến nay Long An đã có 106/161 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Dự kiến đến hết năm 2021, tỉnh sẽ có thêm 4 xã nữa đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Các huyện Châu Thành, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường đã đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Toàn tỉnh cũng đã có 11 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh.
Diện mạo nông thôn Long An đã đổi mới rõ rệt với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung và ứng dụng công nghệ cao bước đầu có hiệu quả.
Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng. Hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới; quốc phòng được củng cố và tăng cường; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn; đặc biệt, dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển.
Đây chính là những kết quả quan trọng khẳng định cách làm đúng, giải pháp phù hợp trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua của Long An.
Giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt được trong chuẩn nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn biến ngày càng phức tạp, sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn đang đòi hỏi Long An tiếp tục có những giải pháp căn cơ, chắc chắn và cách thức triển khai linh hoạt, phù hợp thực tế của từng địa phương.
Trong giai đoạn 2021-2025, Long An đặt mục tiêu có 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (chiếm 66,6%) đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo Phó Chủ tich Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Minh Lâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, tăng cường giới thiệu những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở là giải pháp rất cần thiết.
Long An cũng tiếp tục chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch-an toàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: lúa, thanh long, rau, chanh, bò thịt, bò sữa...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn luôn sáng-xanh-sạch-đẹp, hiện đại, hợp lý mà vẫn giữ gìn được nét đẹp, bản sắc nông thôn truyền thống. Có như vậy, đời sống người dân nông thôn mới tiếp tục được nâng cao toàn diện cả về vật chất và tinh thần, mỗi làng quê mới thực sự là những nơi đáng sống.
Giải pháp "bám sát" đặc thù từng địa phương
Xác định rõ xây dựng nông thôn mới hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu chung của tỉnh là đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An coi trọng các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới là đảm bảo tính thiết thực, không "rập khuôn, cào bằng" mà bám sát yêu cầu từ thực tế, đặc điểm của mỗi địa phương để triển khai được hiệu quả và đúng với mong muốn của người dân.
Thi công đường DT830 đoạn quan địa phận huyện Cần Đước, Cần Giuộc. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Huyện Tân Trụ là địa phương vừa về đích nông thôn mới vào đầu năm 2021 và đang tiếp tục bước vào giai đoạn mới của xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao.
Các giải pháp được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thống nhất triển khai trên cơ sở đặc thù một địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Long An, gần khu công nghiệp của huyện Bến Lức (Long An) và chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 55km.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Trụ Trương Thanh Liêm, sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn đã đạt gần 53 triệu đồng/người, tăng trên 39,7 triệu đồng/người so với thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới (năm 2011).
Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Do đó, Tân Trụ xác định, tiếp tục xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong giai đoạn từ 2021-2025.
Tân Trụ phấn đấu đến năm 2025, huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện sớm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.
Lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương, trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Tân Trụ chọn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến là khâu đột phá; thực hiện chuyển đổi lại cơ cấu, phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả là then chốt.
Huyện cũng đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nhân lực, dạy nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh đã có sự chuyển dịch của nhiều lao động trẻ sang khu vực công nghiệp, nên sản xuất nông nghiệp vừa thiếu cả số lượng và chất lượng lao động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất.
Để diện mạo làng quê ngày càng tươi đẹp, Tân Trụ tiếp tục đầu tư, nhân rộng các tuyến đường hoa, cây xanh; hình thành các tuyến đường kiểu mẫu với các tiêu chí "sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn," tạo hiệu ứng lan tỏa cho các địa phương khác; phấn đấu đến cuối năm 2025, mỗi xã trên địa bàn huyện có ít nhất 50% số đường giao thông kiểu mẫu (có điện chiếu sáng, cây xanh, gắn camera giám sát an ninh trật tự và không có rác thải).
Khác với Tân Trụ, Thạnh Hóa là huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười - vốn là một vùng đất phèn nặng được người dân nhiều năm cần mẫn khai phá, cải tạo nên trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nhất là đối với tiêu chí phát triển kinh tế, Thạnh Hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Từ thực tế đó, theo ông Nguyễn Kinh Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Thạnh Hóa, huyện xác định trong giai đoạn 2021-2025 tiếp tục chú trọng đầu tư, phát triển bền vững các vùng chuyên canh cây khóm (dứa) tại xã Tân Tây, vùng chuyên canh khoai mỡ tại xã Thủy Đông, vùng chuyên canh dưa hấu tại xã Thạnh An và vùng chuyên canh cây chanh ở xã Thuận Bình.
Thạnh Hóa cũng đề ra từng nhóm giải pháp cụ thể trên cơ sở bám sát các tiêu chí của chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Từ đó, huyện triển khai một cách hợp lý và khoa học cho từng địa phương, đó là: nhóm giải pháp về tuyên truyền, phát triển sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
Huyện vùng Đồng Tháp Mười này phấn đấu đến cuối năm 2025, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, kỳ vọng Long An sẽ tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc./.