Để tiếp tục thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách, góp phần cho xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội cho biết sẽ tập trung thực hiện tốt công tác huy động vốn, tăng cường bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương sang ngân hàng để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay.
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp người dân địa bàn khó khăn từng bước thoát nghèo, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới (Ảnh: BT)
Tín dụng chính sách xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, nhằm góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngân hàng đã bám sát các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân.
Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ của ngân hàng đã đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 47.776 tỷ đồng so với đầu năm 2018 với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018-2020, đã có hơn 5,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Với nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời cho đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 783.000 lao động. Đồng thời, giúp trên 103.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 3,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 66.000 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…
Riêng đối với địa bàn các xã đang xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, NHCSXH coi việc tăng cường nguồn vốn, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Trong giai đoạn 2018-2020, tổng doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt 154.345 tỷ đồng chiếm tỷ lệ hơn 87%/tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ tại các xã xây dựng nông thôn mới đến nay đạt 190.582 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 86,8%/tổng dư nợ, với gần 5,7 triệu khách hàng còn dư nợ.
NHCSXH cho biết, với việc tín dụng được thiết kế theo một chuỗi các sản phẩm nhằm phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã tạo thành một hệ thống đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng. Qua đó, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững và ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” theo Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tích cực thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Từ đây, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Tập trung thực hiện tốt công tác huy động vốn
Cùng với những kết quả đạt được, theo NHCSXH, việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại các xã đặc biệt khó khăn hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có thể kể đến việc nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các địa bàn vùng khó khăn phấn đấu đã đạt chuẩn nông thôn mới cần giữ vững và tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, một số địa phương dành nguồn lực từ ngân sách địa phương để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay trên địa bàn còn thấp.
Thứ nữa, hiện chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, tỷ lệ nợ quá hạn còn cao tại một số khu vực (chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Đáng chú ý, tại một số địa phương, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
Theo NHCSXH, để tiếp tục thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách, góp phần cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, thời gian tới, ngân hàng sẽ chủ động báo cáo với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Quốc hội bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, nhất là các chính sách phục vụ công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các chính sách đối với dân tộc thiểu số, miền núi, huyện nghèo, xã nghèo...Qua đó, bảo đảm người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Bên cạnh đó, NHCSXH sẽ tập trung thực hiện tốt công tác huy động vốn, tăng cường bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương sang ngân hàng để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay.
Đi cùng với đó, ngân hàng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện tại địa bàn các huyện nghèo, các xã xây dựng nông thôn mới để người dân biết và tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng vốn vay và trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ chủ động thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù và hiệu quả. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch xã.
Để góp phần thực hiện các mục tiêu, NHCSXH kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo và chương trình tín dụng thực hiện chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó, nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo lên 10 năm.
Ngoài ra, xây dựng chính sách dành riêng đối với chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đi liền với đó, kiến nghị nâng mức cho vay tối đa chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn đối với mỗi loại công trình từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình/hộ; nâng mức cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn lên tối đa 100 triệu đồng/hộ,…/.