Xã An Ðổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là xã thuần nông, về địa lý không thuận lợi cho phát triển kinh tế thương mại và dịch vụ; trong những năm qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của Ðảng bộ, chính quyền và người dân trong đổi mới tổ chức sản xuất, An Ðổ đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện, mở ra cơ hội và hướng phát triển mới cho vùng đất này.
Một tuyến đường ở xã nông thôn mới An Ðổ (huyện Bình Lục, Hà Nam).
Hoàn thành nhiều tiêu chí khó
Tính đến hết tháng 9-2020, xã An Ðổ đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM). Và để được công nhận là xã NTM kiểu mẫu, An Ðổ đã hoàn thành thêm nhiều tiêu chí mới và khó trên các mặt: Sản xuất - thu nhập bình quân đầu người - hộ nghèo; Giáo dục - y tế - văn hóa; Môi trường; An ninh trật tự - hành chính công; Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Về tổ chức sản xuất, xã đã hoàn thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với sản phẩm sản xuất chủ lực là lúa với tổng diện tích đất lúa 498 ha, năng suất đạt từ 120 tạ/ha/năm trở lên, hằng năm sản xuất ra 5.900 tấn lương thực đủ phục vụ đời sống nhân dân và liên kết các công ty thu mua để bán ra thị trường. Cụ thể như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Ðổ chủ động liên kết với các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa cho các hộ nông dân. Năm 2020, mô hình liên kết đạt 110 ha, tăng 60 ha so với năm 2019. Ông Trương Văn Hùng (thôn Phù Tải, xã An Ðổ) cho biết: “Với hình thức liên kết này, công ty đã thu mua lúa tươi tại ruộng của nông dân chúng tôi với mức giá 6.200 đồng/kg, cao hơn so với giá thị trường từ 100 - 200 đồng/kg; thu nhập cao hơn so với sản xuất thông thường từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/ha; trong khi đó nông dân còn giảm được công phơi thóc và ổn định đầu ra. Nhờ đó, các hộ trồng lúa có thêm vốn đầu tư tái sản xuất nên rất hăng hái tham gia mô hình”.
Về chăn nuôi, xã có sản phẩm chăn nuôi gia cầm, gà thịt, trứng có liên kết tiêu thụ với quy mô từ 65.000 - 80.000 con/năm, sản lượng trứng từ 20 - 25 triệu quả…, cho doanh thu, lợi nhuận cao gấp hai lần so với sản xuất đại trà. Các nông sản của xã đều sản xuất theo quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; các trang trại, hộ chăn nuôi gia công gia cầm cho các công ty đều có sổ ghi chép, theo dõi cụ thể quá trình chăm sóc, tiêm phòng thú y theo đúng quy định… Ngoài ra, với tiêu chí môi trường - một trong những tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM, xã cũng hoàn thành sớm thông qua việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh, hộ chăn nuôi ký cam kết không xả thải gây ô nhiễm môi trường và được kiểm tra thường xuyên… Ðặc biệt, đối với tiêu chí về an ninh trật tự, từ năm 2017- 2020, xã luôn được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn - đây cũng là một thành tích quan trọng góp phần vào thành công của việc xây dựng NTM kiểu mẫu trên toàn xã.
Nỗ lực để xứng danh “kiểu mẫu”
Trao đổi với chúng tôi về hành trình để An Ðổ trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Bình Lục, Bí thư Ðảng ủy xã Phạm Xuân Sinh cho biết: “Xác định rõ việc xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc nên xã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với mục đích ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; không ngừng phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để phát triển bền vững. Theo đó, xã xác định đổi mới tổ chức sản xuất đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Ðể thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, Ðảng ủy, UBND xã đã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Tới đây xã sẽ đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm. Ðồng thời duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung ứng dụng công nghệ cao…”.
Có thể thấy, đổi mới tổ chức sản xuất chính là yếu tố quyết định nhằm tạo ra tiềm lực kinh tế vững chãi cho doanh nghiệp cũng như các hộ dân, từ đó thúc đẩy trở lại quá trình đầu tư xây dựng NTM. Việc giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí về NTM kiểu mẫu là cả một hành trình dài phía trước với không ít khó khăn đối với một xã thuần nông như An Ðổ, song những thành tựu đã đạt được sẽ là điểm tựa để những bước đi tiếp theo vững vàng hơn.