Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM sau 10 năm triển khai đã đạt được những kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn với nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư.
Số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Đến hết tháng 12/2020, cả nước đã có 12 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm 26%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 5.506 xã (chiếm 62%) đạt chuẩn NTM.
Có 51 tỉnh/thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng, công nhận 2.965 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; 1.573 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, gồm: 578 hợp tác xã; 476 doanh nghiệp; 489 cơ sở sản xuất; còn lại là các tổ hợp tác.
Long An là tỉnh có xuất phát điểm thấp khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm gần đây, Long An liên tục bị tác động tiêu cực của hạn mặn xâm nhập, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt thành tích đáng tự hào.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Đến nay, Long An đã có 94 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 58,3% số xã toàn tỉnh; 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 huyện đạt chuẩn NTM, 01 huyện và 01 thị xã đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM và đặc biệt là thành phố Tân An đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 54,5 triệu đồng/người, ước năm 2020 đạt trên 60 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,21%, ước năm 2020 giảm còn 1,16%. Toàn tỉnh đã có 11 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Thành phố Tân An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đô thị cửa ngõ của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, cũng là địa phương có truyền thống văn hoá, cách mạng, người dân cần cù, sáng tạo trong lao động và bảo vệ Tổ quốc.
Từ một đô thị loại III được thành lập vào năm 2009, trải qua 10 năm đầu tư xây dựng và phát triển, thành phố Tân An đã được công nhận đô thị loại II và có nhiều bước phát triển vượt bậc, tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân 11,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 58 triệu đồng, bộ mặt nông thôn thay đổi khá toàn diện cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, thành phố đã hình thành được 02 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 134,4 ha và đã thu hút được 38 doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh.
Những kết quả nói trên cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An nói chung và thành phố Tân An nói riêng. Việc thành phố Tân An đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019 là một minh chứng rõ nét.
Quang cảnh lễ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng đánh giá những thành tựu đó mới chỉ là thành quả ban đầu của quá trình phát triển. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Long An tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, cần tận dụng những lợi thế tiếp giáp với TPHCM và nước bạn Campuchia, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các chính sách ưu đãi hiện hành của nhà nước, nhanh chóng xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch vùng Đông Nam bộ và liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Thực hiện tốt chuyển đổi số, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng công nghệ thông minh để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.
Và cùng với động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng NTM, cần nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững các tiêu chí NTM; tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng NTM; chú trọng công tác bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, giữ gìn những nét đẹp truyền thống.
Riêng với thành phố Tân An, tiếp tục nỗ lực đổi mới, có giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các xã trở thành xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, để Tân An xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Long An.
Cũng trong ngày 9/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) và tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.